Sinh viên cẩn trọng với tín dụng đen
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình “Sinh viên vay ưu đãi để học tập tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh” được gần 1 năm. 85 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc các đơn vị thành viên Đại học Quốc gia TP HCM được duyệt vay tổng cộng gần 4 tỷ đồng trong chương trình. Sinh viên phải đảm bảo các điều kiện vay vốn chương trình đặt ra và sẽ được vay số tiền tối đa bằng với học phí một học kỳ nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Văn Lang cũng thành lập quỹ Tín dụng học tập dành cho sinh viên từ năm 1998 nhằm giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập. Quỹ do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý. Vốn vay từ Quỹ sẽ giúp sinh viên trang trải một phần chi phí học tập, sinh hoạt: học phí, sách vở, phương tiện học tập, nghiên cứu.
Tương tự nhiều trường ĐH cũng thành lập các quỹ tín dụng học tập để giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bằng cách liên kết với các ngân hàng hoặc kết nối với doanh nghiệp, cựu sinh viên để bảo trợ sinh viên khó khăn nhưng học giỏi, mức bảo trợ 100% học phí trong suốt quá trình học như cách làm của Trường Đại học Nông lâm TP HCM.
Trên thực tế, hiện nay sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể vay vốn theo chính sách tín dụng của Nhà nước từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức 2,5 triệu đồng/tháng và dự kiến sẽ tăng lên 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không phải mọi sinh viên đều được duyệt để vay từ chính sách này nên việc các trường thành lập các quỹ tín dụng là cần thiết và là hành động nhân văn giúp sinh viên có cơ hội tiếp tục giấc mơ giảng đường trong điều kiện gia đình không thể trang trải học phí trong xu thế tự chủ ĐH, mức học phí dần tăng cao, chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn đắt đỏ…
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp sinh viên không may hoặc tạm thời lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chưa thể đóng học phí cũng được các trường chia sẻ bằng việc chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn đột xuất. Vừa qua, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM đăng tải trên trang thông tin điện tử về trường hợp một sinh viên không may đánh mất khoản tiền đóng học phí (khoảng hơn 10 triệu đồng) nên đã vay tín dụng đen qua ứng dụng di động (app) cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Đến khi gia đình biết chuyện thì sinh viên đã vay số tiền lên tới 300 triệu đồng (gồm cả lãi).
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện sinh viên, học sinh vay tín dụng đen bị phát giác nhưng vẫn rất nhiều người bị vướng vào cạm bẫy này. Theo đại diện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, sinh viên tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố. Trường hợp sinh viên đã thực hiện vay vốn tín dụng lãi suất cao cần liên hệ phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục của trường để được hỗ trợ giải quyết.
Như vậy, để không đánh mất cơ hội học tập, sinh viên cần vận dụng các chính sách cho vay tín dụng của Nhà nước cũng như nhà trường, các học bổng hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân uy tín thay vì tìm đến những điểm cho vay “nóng” để rồi phải trả giá đắt.