Sinh viên sập bẫy app tín dụng đen: Cơ quan quản lý đang ở đâu?
Hoạt động tín dụng đen đang luồn lách dưới hình thức cho vay trực tuyến để lại hệ quả khó lường. Dù đã có cảnh báo nhưng vẫn có người, trong đó có các nạn nhân là học sinh, sinh viên bị sập bẫy từ các app (ứng dụng) tín dụng đen.
Thời gian qua, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của lứa tuổi học sinh, sinh viên, các app tín dụng đên đã dụ dỗ không ít các bạn trẻ vay tiền với lãi suất cao, và người chịu hậu quả không chỉ có bản thân người đi vay mà còn có cả các bậc phụ huynh. Việc “nở rộ” các app cho vay trực tuyến đến mức mất kiểm soát như hiện nay khiến nhiều người đặt câu hỏi cơ quan quản lý đang ở đâu?
Sinh viên khó khăn cần liên hệ với nhà trường
Như bài phản ánh “Vay tiền quan app, sinh viên thành ‘chúa chổm’” đăng trên Báo Đại Đoàn Kết Online, cách đây ít ngày, thông tin từ Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, do đánh mất tiền học phí, sinh viên T., học năm 2 ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh giấu gia đình, vay tiền qua app với lãi suất cao.
Theo lời kể của T., em vay tiền từ tháng 11/2020, số tiền vay 5 triệu nhưng số tiền thực nhận chỉ gần 4 triệu đồng. Tính đến tháng 11/2021, số tiền gốc và lãi T. nợ hàng chục app khác nhau với số tiền hơn 274 triệu đồng. T. liên tục bị chủ nợ gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần. Quá hoảng loạn, T. báo cho gia đình.
Hiện T. đã được gia đình đưa về quê, cách ly hoàn toàn với các thiết bị điện tử để tránh tiếp xúc với chủ nợ. Gia đình T. đang tìm cách giải quyết nhưng các chủ nợ không gặp trực tiếp, chỉ gọi điện, nhắn tin nên chưa biết xử lý thế nào.
Theo bà Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, như thông tin gia đình cung cấp thì tất cả các app này đều chung một đường dây.
Trường hợp của sinh viên T. nêu trên không phải là cá biệt. Thời gian qua, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của lứa tuổi học sinh, sinh viên, các app tín dụng đên đã dụ dỗ không ít các bạn trẻ vay tiền với lãi suất cao. Nhiều em đang lúc khó khăn, nghe có người gọi điện cho vay tiền với thủ tục đơn giản, như “chết đuối vớ được cọc” nên đã đồng ý và làm theo, không ngờ bị sa bẫy lừa đảo… Và người chịu hậu quả không chỉ có bản thân người đi vay mà còn có cả các bậc phụ huynh.
Trước trường hợp sinh viên sập bẫy tín dụng đen, lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cảnh báo, sinh viên không vay tín dụng lãi suất cao, tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Trường hợp sinh viên đã thực hiện vay vốn tín dụng lãi suất cao cần liên hệ phòng công tác sinh viên và thanh tra giáo dục để được hỗ trợ giải quyết. Sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc trên ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng.
Nhà trường cũng khuyến cáo toàn thể sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính có thể liên hệ nhà trường để được hỗ trợ.
Quản cũng không xuể
Từng xử lý nhiều vụ việc liên quan tới tín dụng đen, luật sư Lê Lưu Phú, Phó giám đốc Công ty Luật Gia Nguyễn và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hầu hết các app vay tiền theo kiểu tín dụng đen nói trên đều có sự quản lý điều hành của người nước ngoài, nhưng các “chân rết” hoạt động lại trên địa bàn Việt Nam.
Thế nên, trước câu hỏi về công tác quản lý của phóng viên, luật sư Phú cho biết, hoạt động này rất khó quản lý.
Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã có cảnh báo về việc một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” từng bị lực lượng công an triệt phá. Tuy nhiên, theo luật sư Phú, việc xử lý hoạt động này hiện còn rất nhiều khó khăn.
Thủ tục vay tiền từ các app này rất đơn giản. Người vay chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh vào app, kê khai thông tin cá nhân; số điện thoại; chứng minh thư nhân dân; thông tin người giám hộ, người thân để đảm bảo khoản vay. Có trường hợp dù người vay chưa muốn vay tiền nhưng dựa vào thông tin đã cung cấp, các app này tự động chuyển tiền và số tài khoản người vay. Một thời gian sau, nhân viên của các app này mới nhũng nhiều đòi tiền người vay.
Về mặt pháp lý, luật sư Phú cho hay, sinh viên đứng tên tài khoản và khoản vay sẽ có rủi ro phải chịu trách nhiệm về khoản vay mà mình không vay, thậm chí có trường hợp phải xử lý hình sự.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho rằng, việc quản lý các app cho vay tiền trực tuyến rất khó bởi hiện nay, hoạt động này càng nở rộ, mọc lên như nấm sau mưa với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Mặc dù, các vấn đề lừa đảo thông qua hình thức trên thời gian qua nổi lên rất nhức nhối và đã được cơ quan công an cảnh báo nhưng vẫn có người sập bẫy, đặc biệt có nạn nhân là học sinh, sinh viên. Theo TS Nguyễn Minh Phong, bên cạnh việc trông chờ vào giải pháp của cơ quan chức năng siết chặt hoạt động này, người dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên cần tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không vay tiền online qua các mạng xã hội.
“Khi cần vay tiền, sinh viên cần liên hệ trực tiếp với nhà trường, đến các ngân hàng uy tín để được tư vấn, hỗ trợ. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết, xử lý đối tượng”, TS Nguyễn Minh Phong cho hay.
Tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân
Ngoài việc nở rộ các app vay tiền trực tuyến, học sinh, sinh viên đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa khó lường từ lừa bịp trực tuyến. Theo luật sư Lê Lưu Phú, hiện nay tình trạng gian lận, trộm cắp danh tính, xác thực thông tin người dùng, hình ảnh cá nhân khi đăng ký qua các app, công ty tài chính, ngân hàng… để làm giả hồ sơ vay và chiếm đoạt tài sải đang có dấu hiệu gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Để tránh rủi ro, phiền toái liên quan tới pháp luật, luật sư Lê Lưu Phú khuyến cáo, nhà trường, sinh viên cần phải tuân thủ bảo mật thông tin các nhân, hiểu rõ trách nhiệm của mình khi cung cấp thông tin cá nhân cho người khác.
Đối với đối tượng thực hiện việc khai thác thông tin, thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm lấy thông tin, trấn áp tinh thần sinh viên và người thân sinh viên và đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản thì đối tượng đó có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điểm a Khoản 1, Điều 290 tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.