Áo dài - giá trị văn hóa trở thành di sản
Mười hai bộ áo ngũ thân được các nghệ nhân dồn tâm huyết thực hiện đã được trao tặng cho các bảo tàng, cùng với hi vọng phát huy hơn nữa giá trị tà áo dài ngũ thân - trang phục truyền thống tôn vinh vẻ đẹp, sự duyên dáng của người phụ nữ Việt.
Chiều 19/11, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống - Câu lạc bộ Đình làng Việt đã tổ chức lễ trao tặng 12 bộ áo ngũ thân truyền thống tới 7 bảo tàng. 12 trang phục áo dài ngũ thân sẽ được các nghệ nhân trao đến: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Như chúng ta đã biết, mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc đều có cho mình một nền văn hóa đặc sắc, trong đó các điểm chính như phong tục tập quán, trang phục truyền thống, ngôn ngữ, giọng nói là những nét riêng dễ nhận biết nhất. Đặc biệt là sự khác biệt về trang phục đã đem đến cho mỗi dân tộc, quốc gia một diện mạo khác nhau và vô cùng phong phú, thể hiện được phần nào nét đẹp trong nền văn hóa lâu đời đã trải qua hàng nghìn năm phát triển.
Trong tâm thức của người Việt, áo dài từ lâu đã trở thành nét văn hóa, Quốc phục trong lòng mỗi người dân. Thế nhưng, gần đây hình ảnh trang phục áo dài truyền thống đang mất dần, thay thế bằng các loại trang phục cách tân, may, mặc xa rời bản sắc văn hóa Việt Nam, từ đó trang phục áo dài - Biểu tượng văn hóa của người Việt có nguy cơ bị xóa nhòa.
Trước vấn đề này, nhiều tổ chức, cá nhân đã lên tiếng và có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ tà áo dài. Song song với đó là việc tổ chức nhiều hoạt động hội thảo, triển lãm nhằm quảng bá và bảo tồn áo dài.
Đặc biệt, vừa qua, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và thực hiện đề án Huế - Kinh Đô áo dài Việt Nam nhằm vinh danh áo dài là di sản văn hóa Quốc gia và trong tương lại sẽ Di sản văn hóa Thế giới.
Hiện nay, đông đảo người Việt trong và ngoài nước mong mỏi áo dài sớm được tôn vinh đúng giá trị vốn có, Nhà nước sớm công nhận trang phục này là Quốc phục - Biểu tượng văn hóa quốc gia.
Mười hai bộ Áo dài truyền thống được trao tặng các Bảo tàng hôm nay là sản phẩm thù công, được các thành viên Trung tâm và các nghệ nhân phối hợp nghiên cứu, chọn lựa và thể hiện là những bộ thường phục áo ngũ thân tay chẽn, kết cấu, tạo hình theo phong cách trang phục áo thời Nguyễn. Mỗi bộ trang phục có một đặc điểm chất liệu, kỹ thuật dệt, may riêng, mang dấu ấn của từng người thợ.
Về chất liệu, 12 bộ trang phục có sự góp mặt của các sản phẩm dệt vải như làng lụa La Khê, Hà Đông (Hà Nội), làng lụa Phùng Xá, Ứng Hòa (Hà Nội); làng lụa Nha Xá, Duy Tiên (Hà Nam), lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng); lụa Mỹ A (An Giang). Bên cạnh đó, còn có sự tham gia may của các nghệ nhân từ Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ.
Mười hai bộ trang phục không phải là sản phẩm phục chế, phục dựng, mà là 12 bộ trang phục được may theo cốt cách truyền thống, mang dấu ấn của người thợ thế kỷ 21, những bộ trang phục này vẫn được chúng tôi may, mặc sử dụng thường ngày.
Hưởng ứng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, chào mừng Hội Nghị Văn hóa Toàn Quốc sẽ được tổ chức vào ngày 24/11/2021, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống – CLB Đình làng Việt vận động các nghệ nhân hiến vải, dành công may áo dài ngũ thân truyền thống để trao tặng các bảo tàng. Qua đó nhằm quảng bá, gìn giữ nét văn hóa, nét đẹp của tà áo dài Việt Nam, đồng thời hỗ trợ công tác giới thiệu và quảng bá hình ảnh áo dài đến gần hơn với bạn bè quốc tế.