Không bao giờ lãng quên
Tối ngày 19/11, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 được tổ chức ở hai đầu đất nước - Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tưởng nhớ mất mát của hơn 23 nghìn người. Nỗi đau này là của cả dân tộc. Sự hy sinh, mất mát của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên, bởi đó sẽ là động lực để cả dân tộc cùng đoàn kết, sát cánh bên nhau, vững niềm tin chiến thắng dịch bệnh.
Đến dự Lễ Tưởng niệm, tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương; đại diện các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; đại diện các tổ chức tôn giáo, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Đặc biệt là sự có mặt của đại diện thân nhân, gia đình của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19....
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những mất mát vô cùng to lớn đối với cả thế giới. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Dù toàn xã hội đã chung sức, cả hệ thống chính trị cùng người dân đồng lòng tận lực chống dịch, dù các lực lượng y tế tuyến đầu đã chiến đấu bất kể ngày đêm nhưng không thể ngăn được những mất mát. 23 nghìn người đã ra đi mãi mãi.
Vì vậy, Lễ Tưởng niệm được tổ chức là để người dân Việt Nam tưởng nhớ đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch. Lễ tưởng niệm do UBTƯ MTTQ Việt Nam và TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam từ hai điểm cầu.
Hai điểm cầu ở hai đầu đất nước đều gắn liền với cái tên Thống Nhất. Đó là khuôn viên ngoài trời Hội trường Thống nhất TP Hồ Chí Minh và Công viên Thống nhất Hà Nội. Thống Nhất gợi nhớ đến cách đây 46 năm, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, non sông được nối liền một dải thì đêm 19/11/2021 ở hai điểm cầu Thống Nhất, non sông như nối liền một nỗi đau.
“Ngày con đi bố bảo sẽ chiến thắng/ Nén đau bệnh, bố nói: Nhớ về mau/ Đêm qua đêm, con cứu bệnh nhân nặng/ Muốn gọi bố kể câu chuyện phép màu/ Bỗng nghe tin con bàng hoàng chết lặng/ Bố đi rồi con nuốt nặng cơn đau!”, điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung- Đoàn y tế tỉnh Thái Bình.
Đó là khi các cơ sở tôn giáo đồng loạt rung chuông, lời cầu nguyện thì thầm cất lên, các con tàu trên các tuyến kênh ở TP Hồ Chí Minh kéo còi, ở nhiều nơi người dân tắt đèn, thắp nến, thả hoa đăng… cả dân tộc cúi đầu tiễn biệt đồng bào đã bị tử vong vì Covid-19 để thấy, không ai, không một điều gì bị lãng quên.
Đó là những người như bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, (60 tuổi), bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Ông là người đã mắc Covid-19 sau khi tiến hành truy vết và lấy mẫu các ca bệnh trên địa bàn và đã không qua khỏi. Vậy mà khi còn nằm trên giường điều trị Covid-19, qua điện thoại, bác sĩ̃ Nhẫn vẫn cố gắng nén những cơn ho, tận tình hướng dẫn cho người bệnh dùng thuốc. Đến những giây phút cuối đời, ông vẫn không quên cứu người.
Câu chuyện của điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung - Đoàn y tế tỉnh Thái Bình, xung phong vào Bệnh viện dã chiến số 6 cũng đầy xúc động. Hơn 150 ngày trong tâm dịch, chị Dung cùng đồng đội của mình không chỉ đối mặt với lằn ranh sinh tử, giành giật sự sống cho bệnh nhân mà còn phải gạt đi nỗi niềm riêng, nén lại biết bao đau thương khi nghe tin bố mình qua đời ở quê nhà. Nỗi đau ấy được điều dưỡng Dung như nén lại trong những câu thơ: “Ngày con đi bố bảo sẽ chiến thắng/ Nén đau bệnh, bố nói: Nhớ về mau/ Đêm qua đêm, con cứu bệnh nhân nặng/ Muốn gọi bố kể câu chuyện phép màu/ Bỗng nghe tin con bàng hoàng chết lặng/ Bố đi rồi con nuốt nặng cơn đau!”.
Và không ai có thể cầm được nước mắt khi cậu bé Lê Nhật Hào (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) ôm trong tay đứa em còn đỏ hỏn nói trong nức nở: “Con tiếc nuối khi chưa được gặp mẹ lần cuối”…
Một chương trình đặc biệt, lắng đọng trong ánh nến, hoa đăng và âm vang nhạc Hồn tử sĩ nhưng chương trình đã khắc sâu trong tâm trí người xem những khoảng lặng về nỗi đau và trách nhiệm của tất cả chúng ta.
Bà Phan Thanh Kiều Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh: Biến đau thương thành động lực vượt qua khó khăn
Lễ tưởng niệm bày tỏ lòng tiếc thương, sự mất mát to lớn đối với đồng bào tử vong, cũng như các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Trong đợt dịch lần thứ 4, TP Hồ Chí Minh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Với vai trò, chức năng của mình, MTTQ Việt Nam các cấp ở TP Hồ Chí Minh đã luôn nỗ lực thực hiện công tác chăm lo cho đồng bào gặp khó khăn trong dịch bệnh. Từ Lễ tưởng niệm, tôi mong muốn tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức tôn giáo, nhân dân hãy biến những mất mát, đau thương thành quyết tâm, động lực để đẩy lùi dịch bệnh. Hiện nay tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hoạt động trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hiện thành phố đã thành lập Trung tâm an sinh xã hội, hỗ trợ người khó khăn do dịch Covid-19. Trung tâm đã hỗ trợ được rất nhiều gia đình. Đặc biệt vừa qua, Trung tâm cũng đã có không ít hoạt động hỗ trợ trẻ em mồ côi cha mẹ mất bởi dịch Covid-19, điều này rất có ý nghĩa, góp phần giúp các em học tập, trưởng thành. (Quốc Địnhghi)
Sự mất mát của 23 nghìn người là một nỗi đau quá lớn. Họ chỉ là những người không may bị lây nhiễm. Họ cũng là những người đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một tang lễ trọn vẹn. Hàng chục nghìn gia đình mất đi người thân yêu, hàng nghìn trẻ mồ côi cha, mẹ. Đau đớn đến tận cùng là cảm xúc của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi phải tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Sự mất mát như một vết thương của đại dịch, ám ảnh hằn sâu trong lòng người ở lại.
Chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4, TP Hồ Chí Minh là địa phương phải gánh chịu mất mát nhiều hơn cả. Hàng vạn y bác sỹ, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng trên cả nước xung phong hoặc được điều động vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong suốt thời gian qua, các bác sĩ, điều dưỡng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cống hiến tài năng, y đức trong công tác điều trị người bệnh mắc Covid-19.
Bằng nhiệt huyết, tận tâm cùng sự phối hợp với đơn vị y tế tại địa phương đã có nhiều ca bệnh được chữa khỏi, nhiều người bệnh có cơ hội được sống, được trở về với gia đình. Những cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an, quân đội, cán bộ phường, xã, Mặt trận, các đoàn thể… đã không quản ngại nắng mưa, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ lực lượng địa phương giao từng bó rau, cân thịt đến tận tay người dân. Trong số hàng vạn cán bộ chiến sỹ lên đường làm nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, có những người không bao giờ trở về nữa.
Tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 là hoạt động đầy ý nghĩa để xoa dịu những mất mát, đau thương trong đại dịch. Vì vậy những nghi lễ trang nghiêm, ấm cúng được thực hiện để tưởng nhớ những người đã khuất cũng mang theo thông điệp yêu thương với người ở lại. Cuộc sống rồi vẫn tiếp diễn, những người ở lại đang gượng dậy. Họ cần lắm sự sẻ chia, hỗ trợ của cộng đồng.
Đặc biệt chương trình cũng mang theo những thông điệp để động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua bao mất mát, hy sinh nhưng vẫn là một dân tộc bản lĩnh, đoàn kết, nhân ái và yêu chuộng hòa bình. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa lại thử thách bản lĩnh, sự gan góc, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, và với tinh thần đoàn kết, “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài chống dịch”, dịch bệnh từng bước được đẩy lùi.
Cuộc sống đang hồi sinh và chúng ta có quyền hy vọng như lời ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại chương trình: “Những em bé sinh ra trong thời kỳ bùng phát đợt dịch thứ ba, thứ tư đã biết lẫy, biết ngồi. Cuộc sống tiếp tục sinh sôi, nảy nở và đang dần trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, với sự nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân cả nước sẽ biến đau thương thành hành động, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hậu quả nặng nề của dịch bệnh. Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.
Tuy nhiên, những ngày qua, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng hơn trước đó. Vì vậy, nhiều biện pháp chủ động ứng phó đã được đưa ra, với tinh thần “chuẩn bị trước một bước, trên một mức”. Không bao giờ được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh - sự hy sinh, mất mát to lớn trong đợt dịch vừa qua chính là bài học đau thương để nhắc nhớ chúng ta điều đó.
Bà Lê Thị Hồng Hà 64 tuổi, ở Lê Thúc Hoạch, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh: Từ lúc con gái mất, đêm nào tôi cũng khóc
Cho đến lúc này tôi vẫn chưa thể hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của con gái. Do chồng mất sớm nên mẹ con tôi nương níu vào nhau buôn bán kiếm sống. Học xong lớp 12, cháu học làm hướng dẫn viên du lịch một thời gian, rồi lấy chồng, sinh con nhưng cuộc sống không hạnh phúc, hai vợ chồng ly hôn nên hai mẹ con cháu về ở với tôi trong một căn nhà trọ. Thế rồi cháu bị mắc Covid-19 hồi cuối tháng 9. Sau đó được đưa đi điều trị ở bệnh viện dã chiến và điều tôi lo sợ nhất đã đến, ngày 7/10 vừa qua, con tôi đã không qua khỏi. Từ hôm nhận hũ tro cốt của con đến nay, đêm nào tôi cũng khóc nhưng ban ngày lại phải cố gượng dậy để chăm sóc cháu ngoại mới 8 tuổi. Thằng bé không biết gì, tối nào cũng đòi mẹ còn tôi chỉ biết nói dối rằng mẹ đi “test Covid-19” chưa về. Thôi thì ai cũng sẽ trở về với cát bụi, mất mát nào rồi cũng nguôi ngoai nhưng tôi nghĩ rằng ở cõi niết bàn kia con gái tôi cũng được an ủi phần nào khi cả đất nước làm Lễ Tưởng niệm. Tôi tuy đã già nhưng vẫn còn có thể làm việc được ít năm nữa, hy vọng đủ sức nuôi nấng cháu tới lúc trưởng thành. Giờ tôi phải mạnh mẽ, không chỉ sống cho riêng mình mà còn cho cháu và cả con gái tôi nữa.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Chia sẻ nỗi đau và cầu mong dịch bệnh được đẩy lùi
Tri ân là một trong những truyền thống đạo lý của dân tộc ta, thể hiện giá trị tinh thần tốt đẹp, sâu sắc. Sự bình yên, an toàn mà mỗi người dân chúng ta có được hôm nay không phải tự nhiên mà có, đó là nhờ sự hy sinh cao cả, bất chấp hiểm nguy của những cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Dịch bệnh nguy hiểm nên không thể tránh khỏi những mất mát, đau thương. Lễ Tưởng niệm chính là sự khắc ghi công ơn của họ và tưởng nhớ những mất mát, đau thương trong quá khứ, những nạn nhân không may tử vong trong đại dịch. Cũng vì thế, thế hệ sau cần phải biết trân trọng những thành quả mà họ để lại, nêu cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trước mối nguy hiểm tiềm tàng của dịch Covid-19. Với tinh thần đạo pháp “từ bi, cứu khổ”, “hộ quốc an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chùa, cơ sở tự viện trên cả nước cùng đánh chuông tưởng niệm, dành nén tâm hương cho người nằm xuống để tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19 cũng như chia sẻ với nỗi đau, sự mất mát với gia đình và người thân của họ, cầu mong cho dịch bệnh được đẩy lùi, đất nước sớm được yên bình.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh: Cầu nguyện từ trái tim, từ nghĩa đồng bào
Khi tiếng chuông rung lên từ Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tử vong hy sinh trong đại dịch Covid-19 cũng là lúc lời cầu nguyện của đạo Công giáo chúng tôi cũng như các tôn giáo khác cất lên từ trái tim, từ nghĩa đồng bào.
Điều này nhắc nhớ chúng ta về một đợt dịch khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hơn 23 nghìn người. Sự mất mát nào cũng xót xa nhưng mất mát sinh mạng thì không có gì bù đắp được. Vì vậy, Lễ Tưởng niệm chính là một cách để cả dân tộc chia sẻ với nỗi đau của đồng bào mình. Tưởng niệm người mất nhưng cũng là gửi gắm đến những người đang sống, chúng ta phải đồng hành cùng nhau nâng đỡ nhau bằng tất cả tình yêu thương để tiếp tục vượt qua mọi khó khăn trong khi đại dịch đang tiếp tục hoành hành. Cũng là để mãi mãi trong cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam sẽ luôn nhớ và cầu nguyện hàng ngày cho những người đã mất. Dù rất khó khăn nhưng hãy trao nhau thêm niềm tin yêu, sự hy sinh hết mình, sống tử tế với lòng biết ơn, thực hiện 5K để ngăn ngừa sự lây nhiễm. Tôi tin dân tộc ta sẽ vượt qua mọi khó khăn.
GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Tưởng niệm để thức tỉnh
Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã để lại những mất mát, đau thương vô cùng lớn. Tính đến nay đã có trên 23 nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tử vong, hy sinh do Covid-19. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi nhưng những di chứng của nó còn ám ảnh mãi, là nỗi day dứt hằn sâu trong tim hàng triệu người. Trong chúng ta ai cũng biết, hầu hết những người tử vong vì dịch Covid-19 ra đi đau đớn, phải xa người thân, và vì điều kiện dịch bệnh nên không được tổ chức mai táng chu toàn.
Do đó, việc dành cho những người đã khuất một ngày tưởng niệm là phù hợp với tâm tư nguyện vọng, thể hiện truyền thống nhân văn, nhân nghĩa của người Việt Nam. Lễ Tưởng niệm không chỉ là nén tâm nhang, làm nhẹ lòng những người đang sống mà cũng là dịp để nhắc nhở, thức tỉnh mỗi người chúng ta đại dịch vô cùng khốc liệt, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19, thúc giục chúng ta quyết tâm hơn, đồng lòng hơn trong cuộc chiến cam go này.
Đoàn Xá - Tiến Đạt - Dạ Yến - Trung Hiếu(ghi)