Đẩy mạnh thu thuế thương mại điện tử

H.Hương 20/11/2021 07:23

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, 9 tháng đầu năm 2021, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới (Facebook, Youtube, Google, Microsoft...) đạt 1.017,38 tỷ đồng, bằng 88,95% năm 2020.

Tổng cục Thuế cho hay, theo số liệu tại hệ thống quản lý thuế hiện có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 đến hết tháng 9/2021, số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... khoảng 4.099,68 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.576,72 tỷ đồng; Google là 1.529,25 tỷ đồng; Microsoft là 533,01 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt khoảng 1.143,8 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 1.017,38 tỷ đồng, bằng 88,95% năm 2020.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản trao đổi, đối thoại và hướng dẫn các Nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có Netflix thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế Việt Nam. Hiện tại, Tổng cục Thuế đang tiếp tục có các văn bản đề nghị các công ty này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tổng cục Thuế khẳng định, việc quản lý thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc tự tính, tự khai, tự nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và bình đẳng như các doanh nghiệp trong nước.

Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, ngân hàng thương mại và cơ quan thuế các nước để thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài. Trong hơn 2 năm trở lại đây khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các hình thức thương mại, quảng cáo trực tuyến, mua sắm online đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kinh tế cho thấy, khi đại dịch xảy ra, hầu hết các ngành kinh tế đều chịu sự tác động tiêu cực, thì kinh tế số, thương mại điện tử là một trong số ít ngành có sự tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng ấn tượng.

Giới chuyên gia cho rằng, tiềm năng thuế của các doanh nghiệp lớn hoạt động xuyên biên giới khá lớn. Cần tiếp tục tăng cường rà soát, thống kê các đối tượng có hoạt động giao dịch thương mại điện tử không thường trú tại Việt Nam để nắm bắt, từ đó xây dựng chơ chế quản lý thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế với các giao dịch xuyên biên giới. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh, để người nộp thuế không dám vi phạm trốn tránh nghĩa vụ thuế. Từ đó, đảm bảo quản lý hiệu quả, chặt chẽ các nguồn thuế phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử thời gian tới…

H.Hương