Tâm huyết và ‘cú hích’ của người thầy
Hiệu trưởng phải là người truyền cảm hứng tích cực cho đồng nghiệp. Mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ khi các thành viên của nhà trường luôn đoàn kết và cùng quyết tâm triển khai các hoạt động giáo dục.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) – ngôi trường đầu tiên “về đích” năm học 2020-2021 khi hoàn thành chương trình năm học nhờ học trực tuyến.
“Không để giáo viên nào tụt lại phía sau”
Với thầy và trò cả nước, năm học 2021-2022 đặc biệt ngay từ ngày khai giảng trực tuyến, tiếp sau đó là chuỗi ngày học trực tuyến kéo dài, thầy trò vẫn chưa được gặp nhau. Hơn lúc nào hết, ngành Giáo dục đang đặt ra vấn đề về thích ứng với việc dạy và học trực tuyến với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có đẩy mạnh tập huấn giáo viên. Song ghi nhận từ thực tế cho thấy chưa nhiều giáo viên thành thạo với những phần mềm dạy học trực tuyến, chưa khiến giờ học trực tuyến trở nên sinh động, hiệu quả khi bê nguyên gần như giờ dạy trực tiếp trên lớp lên mạng.
“Đến cuối năm ngoái, trường tôi vẫn còn một thầy giáo chưa thành thạo dạy trực tuyến. Nhưng khi tôi nói với thầy điều đó, người thầy 70 tuổi này đã quyết tâm học và học thành công. Những bài giảng trực tuyến của thầy được đông đảo học trò và đồng nghiệp yêu thích”- bà Thu Anh kể lại câu chuyện về người thầy trong trường mình dù tuổi đã cao cũng quyết không để lỡ “chuyến đò” chuyển đổi số của toàn ngành.
Để thấy, không có việc gì làm khó được giáo viên nếu có quyết tâm thay đổi. Nhất là khi có sự trợ giúp của ban giám hiệu, sự hỗ trợ bài bản, tích cực của các đồng nghiệp bên cạnh thì những khó khăn ban đầu đều sẽ trôi qua mau, chỉ còn lại niềm hạnh phúc vô bờ là vẫn được ngày ngày trò chuyện, chỉ bảo những học sinh thân yêu.
Nhiệt huyết phía sau mỗi bài giảng
Từ kinh nghiệm của mình, bà Thu Anh cho rằng để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, mỗi giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị bài giảng. Ngoài chuẩn bị slide bài giảng, hoặc viết trực tiếp trên màn hình máy tính, các thầy cô phải chuẩn bị nhiều học liệu để dễ dàng tương tác và thu hút sự chú ý của học sinh.
“Trước mỗi giờ học, giáo viên thiết kế các nhiệm vụ học tập và giao cho học sinh chuẩn bị trước. Cuối mỗi giờ học các thầy cô gửi phiếu chốt các kiến thức cơ bản để giúp học sinh nắm bắt nội dung chính buổi học và giao nhiệm vụ về nhà. Giáo viên nhận xét, đánh giá giờ học trên Sổ ghi đầu bài trực tuyến để ghi nhận sự tham gia tích cực của học sinh cũng như khuyến cáo những học sinh chưa nghiêm túc”- bà Thu Anh nói.
Rất nhiều công việc có tên và không tên như thế khiến giáo viên gia tăng áp lực khi dạy học trực tuyến là có thật. Một giáo viên chia sẻ trên diễn đàn giáo dục rằng, bên cạnh việc soạn bài, chấm bài trực tuyến vất vả gấp nhiều lần so với học trực tiếp, lo học sinh có tiếp thu được bài không, có khó khăn khúc mắc gì trong quá trình học tập không… Nên việc thường xuyên nhắn tin, trao đổi với phụ huynh là rất cần thiết. Không phải chỉ 1 mà 40, 50 học sinh một lớp đều được cô quan tâm như nhau và kịp thời trao đổi, thông báo tình hình học sinh tới từng gia đình.
“Có vị phụ huynh tỏ ra khó chịu vì tôi gọi điện, nhắn tin trao đổi vì việc học của con nhưng quả thật, dạy học trực tuyến không thể thiếu vai trò đồng hành của phụ huynh vì không gian học của các con là ở nhà”- cô giáo này tâm tư.
Chia sẻ quan điểm này, cô Thu Anh cho rằng bên cạnh vai trò của nhà trường, giáo viên thì để học trực tuyến hiệu quả, phụ huynh cũng cần vào cuộc. Về phía nhà trường cũng cần quan tâm điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp, tạo hứng thú học tập cho học sinh, tránh những áp lực, căng thẳng cho học sinh khi phải học trực tuyến kéo dài.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã gửi những lời chia sẻ, động viên, tri ân tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.
Trong bức thư, Bộ trưởng bày tỏ sự biết ơn đối với tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, đang hàng ngày lao động, sáng tạo, thực hiện trách nhiệm của ngành trước Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dịch bệnh khiến việc dạy và học cần hết sức linh hoạt, linh hoạt để điều chỉnh, để ứng phó với các tình huống phức tạp. Đối với toàn ngành, linh hoạt thích ứng là một năng lực của ngành, thích ứng với các hoàn cảnh là năng lực của từng cá nhân. Chúng ta cần dạy cho học sinh năng lực thích ứng, khả năng linh hoạt nhưng lại phải biết giữ nguyên tắc và kiên trì theo đuổi cái ổn định lâu dài. Cần dạy cho học sinh biết cách học và đặc biệt là cách tự học. Đó là phương pháp vạn năng để học và trưởng thành trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay.
Muốn khơi dậy, phát triển, tạo dựng các năng lực và phẩm chất của học sinh như nói ở trên, trước tiên nhà giáo chúng ta phải có đầy đủ và có ở chiều sâu những điều đó trước.