Phân loại F1

Tinh Anh 20/11/2021 07:40

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho ý kiến về việc phân loại và cách ly F1 mới, làm căn cứ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19. Theo cơ quan này, không phải là F1 nào cũng có nguy cơ lây nhiễm cao nên cần phân loại để có quy định thời gian cách ly cho phù hợp thực tế.

Cục Quản lý môi trường y tế khẳng định, nhiều địa phương thời gian qua đã đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao, đồng thời nhiều F0 cũng được điều trị khỏi. Những trường hợp này khi trở thành người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) thì khả năng bị lây nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn, hoặc nếu có nhiễm cũng không ở mức độ nghiêm trọng.

Vì vậy, để thích ứng với tình hình mới, đảm bảo ổn định đời sống, cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, Cục Quản lý môi trường y tế đề xuất chia F1 ra làm 3 loại, có các mốc thời gian cách ly và hình thức cách ly khác nhau. Trong 3 nhóm F1, những người tiêm đủ hai mũi vaccine và các F0 khỏi bệnh sẽ được ưu tiên.

Cụ thể, F1 là người có “thẻ xanh” trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine (liều cuối tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), F0 khỏi bệnh (có xác nhận của cơ quan chức năng) được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm PCR 3 lần trong thời gian cách ly.

Đối với những F1 chưa tiêm đủ liều vaccine (thẻ vàng trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng) phải cách ly y tế 10 ngày, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo cùng với xét nghiệm PCR 3 lần. Nhóm F1 còn lại là những người chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo, xét nghiệm PCR 3 lần.

Rõ ràng cách phân loại trên hết sức khoa học, song Cục Quản lý môi trường y tế vẫn muốn xin ý kiến các địa phương để có căn cứ trình Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19. Lý do đơn giản là vì việc thực hiện triển khai cách ly F1 như thế nào là do các tỉnh, thành phố tự quyết, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội của địa phương.

Dư luận xã hội đánh giá cao đề xuất của Cục Quản lý môi trường y tế về việc phân loại F1, để từ đó có các biện pháp ứng xử phù hợp. Đề xuất trên sát với thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống chứ không phải kiểu quan liêu “ngồi phòng lạnh”, “đút chân gàm bàn” ra văn bản “trên trời” như một số cơ quan khác. Quan trọng hơn, đơn vị này còn cầu thị muốn lắng nghe ý kiến từ chính những đối tượng có liên quan đến chủ trương này.

Nếu các địa phương đồng thuận, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 quyết định thực hiện, đây sẽ là bước đột phá trong cuộc chiến với giặc dịch, đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh. Những người có nguy cơ lây nhiễm thấp sẽ không còn phải cách ly dài ngày, mà có thể dành thời gian cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đề xuất thiết thực, sự cầu thị lắng nghe của Cục Quản lý môi trường y tế, thiết nghĩ: Giá như mỗi ngành, lĩnh vực, mỗi cơ quan, đơn vị đều có được thái độ xây dựng cơ chế, chính sách như vậy thì tốt cho xã hội biết bao. Sẽ không còn thực trạng văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành chỉ nằm trên giấy không thể triển khai buộc phải thu hồi.

Hy vọng các địa phương đều có thể nhìn ra điểm ưu việt trong đề xuất của Cục Quản lý môi trường y tế từ đó đưa ra ý kiến đồng thuận, làm căn cứ để Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 quyết định. Như vậy không chỉ đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, mà lại không gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tinh Anh