Niềm tin Mặt trận
91 năm qua, với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, song Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đều nhằm một mục đích là tập hợp đoàn kết, tạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các lực lượng trong dân tộc để phấn đấu hoàn thành những mục tiêu do Đảng lãnh đạo, đề xướng.

Tất cả những mục tiêu lớn lao ấy, đều được người Mặt trận bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhưng rất cụ thể từ mỗi cộng đồng dân cư. Có đi đến Ngày hội Đại đoàn kết ở các khu dân cư những ngày này mới thấm thía hơn những điều tưởng như nhỏ bé ấy.
Mục đích ban đầu của Ngày hội là ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam (18/11/1930), là dịp để báo cáo những kết quả hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhưng sau nhiều năm, Ngày hội đã không chỉ còn là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ của một số người tích cực trong hoạt động xã hội mà trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi bạn bè thân hữu gặp gỡ, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân.
Ở đó có sự sẻ chia ấm ấp mà làng xóm láng giềng dành dụm cho nhau, là những cuộc hạnh ngộ thân tình. Bức tranh hội tụ mang đậm màu sắc Mặt trận như một biểu tượng sinh động cho khối đại đoàn kết, trở thành chất keo gắn kết, nhân lên sức mạnh từ mỗi cộng đồng dân cư.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi địa phương mà Ngày hội Đại đoàn kết được tổ chức để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là người đã có những năm tháng hoạt động Mặt trận đầy tâm huyết. Ông là người để lại nhiều dấu ấn đậm nét như khởi xướng Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, xây dựng Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Ông cho rằng, kỳ công lớn nhất của ông là đưa ngày 18/11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Để làm được việc này ông đã đi xuống từng bản làng trong khắp cả nước để vận động nhân dân và đến bây giờ hoạt động này đã trở thành một hoạt động văn hóa hàng năm đầy ắp tình làng nghĩa xóm, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân trong mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Mặt trận.
Nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đã đưa ra ý kiến sâu sắc về lòng dân, về công tác Mặt trận, bởi theo ông “Đảng tổ chức ra Mặt trận chính là để thực hiện vai trò tập hợp đoàn kết nhân dân, thực hiện các đường lối chính sách của Đảng và hiểu được các chủ trương đúng đắn của Đảng. Đảng thông qua Mặt trận để không xa rời quần chúng. Bác Hồ có cái ý sâu sắc là tổ chức ra Mặt trận để làm việc đó”.
Sứ mệnh của Mặt trận là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trong nhiều lần trở về Mặt trận, lần nào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc tới điều này và đề cao vị trí, vai trò, trách nhiệm to lớn của Mặt trận trong toàn bộ tiến trình cách mạng trên cơ sở: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ.
Vì từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.
91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam đã ra sức hoạt động, bằng mọi hình thức và biện pháp, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, mọi phong ba bão táp, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ôn lại truyền thống lịch sử của MTTQ Việt Nam càng thấm thía những điều này. Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam).
Trong suốt quá trình đó, đoàn kết là sợi dây xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh của mình. Đoàn kết trong Mặt trận Liên-Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Cứ như vậy, 91 năm qua, với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, song MTTQ Việt Nam đều nhằm một mục đích là tập hợp đoàn kết, tạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các lực lượng trong dân tộc để phấn đấu hoàn thành những mục tiêu do Đảng lãnh đạo, đề xướng.
Đó là vì ở mỗi giai đoạn khó khăn đặc biệt của đất nước cần sự quyết tâm đồng lòng của cả dân tộc để vượt qua thì hơn ai hết, Mặt trận là nơi tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc phát đi lời hiệu triệu của mình, thông qua những việc làm cụ thể, mục tiêu cụ thể để đi đến đích cuối cùng chính là đoàn kết toàn dân, vượt qua những cam go thử thách.
Còn nhớ, ngay khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi Toàn dân ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19. Và cũng gần 2 năm qua, sau hai lần kêu gọi ủng hộ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục “đáp lời” Mặt trận, ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương, tạo thành một phong trào “tương thân tương ái” trên khắp cả nước.
Điều này thể hiện cho niềm tin của người dân vào sự công khai minh bạch của Mặt trận trong công tác tiếp nhận hỗ trợ và giám sát hỗ trợ. Trong đó, Mặt trận tiếp tục có nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều năm trở lại đây cứ đến Tháng Cao điểm Vì người nghèo (17/10-18/11), bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Anh lại từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra Hà Nội. Hành trình tìm tới Mặt trận của bà Phương năm nay vất vả hơn mọi năm, bởi thời điểm đó, dịch bệnh vẫn căng thẳng, việc di chuyển bằng máy bay từ Nam ra Bắc chưa thuận tiện, bà Phương đã quyết định cùng con đi ô tô từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra Hà Nội.
“Chúng tôi đi một mạch không nghỉ, chỉ dừng lại ở những trạm kiểm soát”, bà Phương chia sẻ và cho biết, bà luôn muốn thông qua Mặt trận trao gửi tấm lòng của mình đến người nghèo khó là vì tin vào Mặt trận.
Tổng Giám đốc Nguyễn Nam Phương đã ủng hộ 5 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo và 5 tỷ đồng cho Quỹ Phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, chỉ tính riêng trong hai năm, dù phải đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng với tinh thần trách nhiệm, bằng nhiều hình thức hỗ trợ, Công ty TNHH MTV Lan Anh đã đóng góp và ủng hộ cho hai quỹ này gần 30 tỷ đồng. Trước những nghĩa cử cao đẹp này, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trao Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho bà Nguyễn Nam Phương vì đã có nhiều đóng góp cho Quỹ Vì người nghèo.
Nhiều năm qua, thông qua lời kêu gọi của Mặt trận, đã có rất nhiều những cá nhân, tổ chức có nghĩa cử cao đẹp như bà Nguyễn Nam Phương tìm đến để trao gửi tấm lòng mình cho công tác phòng chống dịch, chăm lo cho người nghèo hay sẻ chia với đồng bào bị thiên tai bão lũ. Mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung trong lòng dân tộc, là nơi để những yêu thương tìm về, nơi người dân trao gửi niềm tin.
Điều quan trọng là, sau thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, người dân đang kỳ vọng vào những hành động mạnh mẽ để tạo ra thành tựu, mang lại sự “giàu có và hạnh phúc cho nhân dân” như nghị quyết đã đề ra.
Và ở đó luôn có sứ mệnh của Mặt trận. Vì Mặt trận là nơi hiệu triệu nhân dân, đánh thức tinh thần dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện các mục tiêu mà Đảng đã đề xướng. Từ việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo vị thế ngoại giao cho đất nước cho đến đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, xử lý vi phạm để làm trong sạch tổ chức, để tổ chức Đảng, chính quyền mạnh hơn. Và đặc biệt là sớm có chiến thắng cuối cùng trong đại dịch Covid-19 để người dân trở về với cuộc sống bình thường.