Mở hướng giải quyết ùn tắc giao thông đô thị
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vừa chính thức “lăn bánh”, với kỳ vọng mang lại một diện mạo mới cho giao thông đô thị Hà Nội. Và quan trọng hơn, sẽ tạo ra thói quen và nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhằm giải quyết tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Kỳ vọng giảm ùn tắc
Sau khi chính thức đưa vào khai thác, vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (từ 6/11), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước đã đón lượng hành khách vượt con số dự kiến. Đa phần người dân sau khi trực tiếp trải nghiệm đã có cái nhìn tích cực về loại hình giao thông mới mẻ này xuất hiện tại thủ đô. Có không ít ý kiến cho rằng, người dân Hà Nội phải tập thói quen đi xe buýt, tàu điện để theo kịp những nước phát triển.
Tới trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Văn Tuân (Quận Ba Đình) nhận xét, tuyến đường sắt rất hiện đại, mong muốn Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì khai thác tốt tuyến đường sắt hiện đại này, và tôi sẽ thường xuyên sử dụng tuyến tàu để vào thăm gia đình con trai đang sinh sống ở một chung cư ở quận Hà Đông.
Còn chị Nguyễn Thanh Hương (quận Đống Đa) vui mừng cho biết: Tôi đã chờ đợi ngày này từ nhiều năm rồi. Tôi rất vui khi được trải nghiệm chuyến tàu và những ngày tới tôi không còn phải đối mặt với cảnh ùn tắc trên trục đường đi làm. Từng đi tàu điện tại các nước Pháp, Singgapore, Thái Lan, tôi thấy tàu Cát Linh - Hà Đông chạy khá êm và dễ chịu. Tôi sẽ đăng ký vé tháng sau khi hết kỳ miễn phí, vì công ty của tôi có trụ sở tại Hà Đông.
Theo Công ty Metro Hà Nội (đơn vị khai thác), trong ngày đầu vận hành, có 25.680 lượt hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với 109 chuyến tàu. Khách tập trung đông ở các ga Cát Linh (30,1%); ga Yên Nghĩa (20,2%).
Đánh giá về tàu hoạt động những ngày qua, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tàu đi nhanh, đúng giờ, thuận lợi, mỗi ngày đều thu hút lượng lớn hành khách tham quan, đi trải nghiệm. “Chúng tôi khẳng định hành khách đi vào giờ cao điểm trên tàu sẽ giảm được một nửa thời gian so với đi phương tiện cá nhân. Chúng tôi đã tổ chức đi thử trên tàu và đi phương tiện cá nhân để có so sánh. Hy vọng tuyến tàu điện một mình một đường có thể làm thay đổi thói quen của người dân để giảm được lượng phương tiện cá nhân”, ông Hải nói.
Mặt khác, theo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, lưu lượng giao thông lớn cũng là một nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở thủ đô. Thành phố thường xuyên ghi nhận chỉ số không khí không có lợi cho sức khoẻ cho người dân. PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cho biết, có một nghiên cứu trong khoảng 10 năm về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã chỉ ra rằng, 40% bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội trong giai đoạn 2001-2008 là đến từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo sự phát triển, các dạng nguồn gây ô nhiễm không khí khác ở thành phố sẽ dần giảm đi, nhưng nguồn giao thông sẽ còn lâu dài. Về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) cũng cho rằng, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ giải quyết vấn đề giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần thay đổi giao thông trong nội thành.
Tạo thuận tiện cho người dân đi lại
Theo các chuyên gia, để tạo thói quen cho người dân sử dụng một loại hình giao thông công cộng mới cần từ 2 phía, và quan trọng là phía cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có những giải pháp đồng bộ để tạo sự thuận lợi cho người dân. TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhìn nhận: Tuyến đường sắt đô thị là “mạch máu” giao thông công cộng của đô thị bởi năng lực vận chuyển nhanh, mỗi chuyến vận chuyển hàng nghìn lượt hành khách. Việc giảm ùn tắc ngay sau khi vận hành tuyến đường sắt là hoàn toàn có thể, tuy nhiên phải có thời gian để kết nối, chỉnh lại lộ trình của các tuyến xe buýt, kết nối với hạ tầng khu vực xung quanh tạo thuận tiện cho người dân đi lại.
Cũng có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của đường sắt đô thị là cơ hội lớn để xe buýt nâng cao sản lượng, mở rộng mạng lưới tuyến. Chẳng hạn như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ thu hút, chuyển tải lượng hành khách rất lớn, hàng trăm nghìn người mỗi ngày. Việc tạo ra một tuyến đường đông đúc người dân qua lại thường xuyên sẽ tạo nên một hành lang rất thuận tiện để phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại trên tuyến cửa ngõ Tây Nam Thủ đô. Như vậy, càng đông người dân đi - đến khu vực xung quanh đường sắt đô thị thì nhu cầu sử dụng xe buýt để trung chuyển sẽ càng lớn, là động lực, điều kiện thuận lợi để không chỉ xe buýt mà các loại hình vận tải công cộng khác cùng phát triển.
Với tuyến đường sắt này, hiện trên dọc hành lang đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến buýt có trợ giá kết nối ngang và dọc, đã được phê duyệt từ năm 2020, đồng thời di dời các điểm tiếp cận xe buýt gần nhà ga của tuyến đường sắt. Nhà ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt. Riêng ga Cát Linh, Yên Nghĩa kết nối 16 tuyến. Tại các nhà ga đã bố trí điểm gửi xe máy, xe đạp.
Đề cập việc tổ chức khai thác dịch vụ tại các ga, ông Vũ Hồng Trường cũng cho biết, đơn vị đang lập dự án và tùy từng vị trí ga để có phương án khai thác dịch vụ phù hợp, hiệu quả để bù đắp chi phí hoạt động. “Vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị ở hầu hết các nước trên thế giới đều không thể tự cân đối thu, chi mà phải dùng ngân sách để hỗ trợ.Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng được hoạt động theo cơ chế trợ giá để phục vụ đi lại của người dân”, ông Trường nói về việc tính toán khả năng cân đối thu, chi của tuyến đường sắt trên.
Đảm bảo an ninh, an toàn
Ở một góc nhìn khác, theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, theo quy trình vận hành của tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, mỗi khi tàu dừng tại ga, lái tàu sau khi mở cửa đoàn tàu sẽ bước xuống ke ga để quan sát khách xuống, lên tàu. Khi hết người xuống, lên mới đóng cửa các khoang và trở lại vị trí lái để tiếp tục điều khiển tàu đến ga tiếp theo. Thao tác này nhằm giúp bảo đảm an toàn cho khách, khắc phục việc bên trong toa tàu và cabin lái không có hệ thống camera quan sát. Tuy vậy, ông Ân cho rằng, thời gian mỗi lần tàu dừng chỉ 25 - 50 giây, khoảng cách đến ga tiếp theo chỉ 1,1km nên lái tàu liên tục lên xuống, ảnh hưởng đến sự tập trung. Vì vậy, hệ thống quản lý cần có sự giám sát chặt chẽ lái tàu trên hành trình, thao tác tại ga.
“Đặc biêt, tàu đường sắt có mức độ tập trung lớn số lượng hành khách nên cần được đảm bảo an ninh trật tự ở mức cao hơn so với vận tải khách công cộng khác. Cần có quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự tại các ga để các vấn đề mất an ninh, trật tự công cộng được xử lý nhanh nhất”, ông Ân lưu ý.
Ở một góc nhìn khác, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng: Việc Hà Nội đưa tàu điện Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác đã mở ra một trang mới cho giao thông đô thị Thủ đô, đồng thời tạo cơ hội cho cơ quan quản lý Nhà nước vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đây là tuyến tàu điện đầu tiên và duy nhất hiện nay, nên cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng về thay đổi phương thức đi lại tại Hà Nội, bởi chúng ta đã có kinh nghiệm từ tuyến buýt nhanh BRT. Bởi lẽ mạng lưới xương sống chưa hình thành, mà đây mới chỉ là một tuyến đơn độc. “Khi nào hình thành được mạng lưới phương tiện công cộng nhanh, sức chở lớn cơ bản với 5 - 6 tuyến đường sắt đô thị khi đó lượng khách đi trên mỗi tuyến sẽ tự tăng nhanh chóng”, TS Vũ Anh Tuấn nói.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Muốn thuyên giảm vấn đề ùn tắc giao thông Hà Nội cần phải giải quyết cấp bách hai vấn đề cơ bản: Hạn chế phương tiện cá nhân và đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng như xe bus, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm... Tiếp đó là vấn đề xây dựng kế hoạch một cách liền mạch, tránh chắp vá, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu dự án đường sắt đô thị được triển khai đúng kế hoạch, tập trung được nguồn lực ngân sách để giải quyết sẽ tạo ra bộ mặt giao thông mới cho đất nước. Việc hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng cũng làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.