Cần đột phá trong xây dựng đường sắt trên cao

Minh Duy 21/11/2021 10:00

Thông tin về quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km.

Tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến sẽ khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12/2022.

Với Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Tuyến đường sắt đô thị này có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông công cộng của Hà Nội và là khởi đầu cho quy hoạch đường sắt đô thị. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vận hành khai thác. Thành phố cũng rút ra nhiều bài học từ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để triển khai dự án sau.

Theo đó, tiếp tuyến Cát Linh - Hà Đông đã vận hành, tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến chạy đoạn trên cao cuối năm 2022, thành phố đang triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị khác.

Với riêng tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm) đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm được khởi công từ tháng 9/2010. Ông Tuấn cho hay, 8,5 km đoạn trên cao đã hoàn thành tiến độ khoảng 80%. Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022. Với 4,5 km đi ngầm (từ ga S9 đến S12), do khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng, cũng như các yếu tố khách quan về dịch bệnh, hành lang pháp lý..., các đơn vị liên quan đặt mục tiêu phấn đấu đoạn ngầm hoàn thành năm 2024 hoặc 2025. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc, tuyến Nhổn - ga Hà Nội có công nghệ, quy chuẩn của Pháp. Hà Nội đã có kế hoạch để kết nối hai tuyến này.

Tuy nhiên, hiện dư luận cũng đang chú ý tới vấn đề Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang khiếu nại tới chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD. Nguyên nhân mà phía nhà thầu đưa ra là do các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc chậm trễ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Về sự việc trên, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, hiện tại, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang thực hiện đúng các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp/khiếu nại của nhà thầu.

Giải thích việc Liên danh Nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, những vướng mắc kéo dài về giải phóng mặt bằng tại vị trí xây dựng các ga ngầm là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ dự án đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong suốt nhiều năm qua.

Hiện nay nhà thầu HGU đang sử dụng quyền khiếu nại tới chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và yêu cầu bổ sung chi phí với tổng giá trị khoảng 114,7 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng do các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc chậm trễ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Thời điểm này, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang thực hiện các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp/khiếu nại của nhà thầu. Ngay khi nhận được đơn khiếu nại của nhà thầu, chủ đầu tư đã thường xuyên làm việc, tiến hành đàm phán với đơn vị tư vấn và nhà thầu để giải tỏa các khúc mắc, nhằm tìm được tiếng nói chung giữa các bên trong việc giải quyết tranh chấp.

Trước đó, từ những năm đầu thực hiện hợp đồng, để giảm thiểu tác động xấu của việc chậm giải phóng mặt bằng gây ra, cũng như tránh tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng khi đã giải phóng mà chưa được thi công (thực tế đã xảy ra tại vị trí nhà ga S2, nhà ga S7, khu vực thi công giếng thông gió...), chủ đầu tư đã đàm phán, thuyết phục nhà thầu chấp thuận nhận mặt bằng từng phần để thi công nhằm giảm thiệt hại lên dự án. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao mặt bằng không đáp ứng được tiến độ thi công.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, về tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã ký kết và triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Việc quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông trên công trường được quản lý chặt chẽ.

Hơn nữa, quá trình thực hiện Dự án mặc dù UBND đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng trong quản lý, triển khai nhưng đây là dự án phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam nên trong quá trình triển khai tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%; trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 89,5%; tiến độ đoạn ngầm đạt 32,2%, dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12/2022.

Trước thực trạng các tuyến đường sắt đều chậm tiến độ cũng như đội vốn “khủng”. Giới chuyên gia cho rằng, nếu ta chưa biết gì về công nghệ để giám sát các nhà thầu, có thể thuê tư vấn độc lập (bên thứ 3) thay chủ đầu tư giám sát từ ký hợp đồng tới thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành. Bên cạnh đó Quốc hội cần quy định giới hạn mức tăng vốn của dự án đầu tư công, tránh tình trạng “ép giá” khi lập dự án để được thông qua, khi thi công mới điều chỉnh tăng về giá thật.

Về phía TP Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn cho biết: đây là loại hình vận tải khối lượng lớn nên cần được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy vậy với tiến độ hiện nay, 8-10 năm mới xây dựng được một tuyến đường sắt đô thị như tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa đưa vào vận hành. Chúng ta đi qua chặng đường dài, nhiều khó khăn, rút ra nhiều bài học hết sức sâu sắc liên quan đến việc quy hoạch, quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu...”. Để chuẩn cho bị các công trình tiếp theo, tới đây cần có bước đột phá trong xây dựng cũng như việc huy động nguồn vốn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Minh Duy