Cam thương hiệu bị ép giá giữa mùa dịch
Hơn 400 ha cam Thượng Lộc (vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đang vào vụ thu hoạch. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ giảm, thương lái ép giá, người trồng cam lo lắng tìm đầu ra.
Cam Thượng Lộc (trồng ở vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được bảo hộ thương hiệu, nhiều mô hình, sản phẩm đạt chứng nhận VietGap, Ocop…Tuy nhiên, loại cam đặc sản này đang bị rớt giá.
Vùng Trà Sơn huyện Can Lộc gồm các xã Thượng Lộc, Phú Lộc, Thường Nga, Gia Hanh, Sơn Lộc, Mỹ Lộc, Đồng Lộc...hiện có khoảng hơn 700 ha diện tích trồng cam.
Trong đó, vụ cam năm 2021, toàn huyện có hơn 400 ha cam cho thu hoạch đại trà, tập trung nhiều nhất ở xã Thượng Lộc với 234 ha. Các giống cam được trồng ở đây chủ yếu là cam giòn, cam chanh.
Bà Phan Thị Phương (49 tuổi, chủ vườn cam Lâm Phương ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) cho hay, trang trại 3 ha của gia đình trồng 1.500 gốc cam chanh đã đến thời kỳ thu hoạch. Năm nay cam năng suất cao hơn những năm trước nhưng giá thấp hơn nhiều.
“Thương lái vào trả 10.000 đồng/kg, trong khi cam của chúng tôi quả to, chín đều, đẹp, vị ngọt hơn hẳn cam của các trang trại khác. Tiếc của nên chúng tôi không bán cho thương lái mà tự tìm đầu ra, bán với giá 20.000 đồng/kg để vớt vát lại ít vốn” – vừa sắp xếp cam vào thùng để chuyển vào cho các cửa hàng lớn ở TP Hà Tĩnh, bà Phương vừa nói.
Cả vườn cam hơn 4 ha của trang trại Trạch Mai (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) đã đến vụ thu hoạch nhưng vì giá thấp, đầu ra ít nên gia đình chưa buồn bán. “Mọi năm, đến tầm này thương lái vào tận nơi thu mua cả vườn với giá cao nhưng năm nay cam vẫn đang trên cây cả”, anh Dương Trí Quỳnh, người chăm sóc vườn cam Trạch Mai cho hay.
Theo anh Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc), toàn xã có khoảng 234 ha trồng cam, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 162 ha, sản lượng ước đạt 2.300 tấn.
“Giá cam chanh tại vườn hiện nay giao động từ 22-25 nghìn đồng/kg còn cam giòn có giá 30-35 nghìn đồng/kg. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cam Thượng Lộc giảm mạnh, thậm chí nhiều vườn cam bị thưng lái ép giá chỉ còn 1 nửa so với giá bình quân. Điệp khúc được mùa, mất giá đang làm khó nông dân trồng cam” – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc chia sẻ.
Nông dân ở vùng Trà Sơn của huyện Can Lộc (gồm các xã Thượng Lộc, Phú Lộc, Thường Nga, Gia Hanh, Sơn Lộc, Mỹ Lộc, Đồng Lộc) còn chiết, ghép ra loại giống cam giòn rất thơm, ngon, ngọt. Cam giòn nhỏ hơn cam chanh nhưng có mùi thơm và vị ngọt đậm hơn nhiều.
“Chỉ có vùng đất Trà Sơn của huyện Can Lộc mới có loại cam giòn đặc biệt này. Chính người dân tự mày mò, chiết cành, cấy ghép và phải trồng trên đất vùng Trà Sơn mới cho ra loại cam đặc sản là cam giòn. Khoáng chất đặc biệt ở đây đã tạo nên loại đặc sản giá trị cho người nông dân” – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết.
Hiện nay, huyện Can Lộc có hơn 700 ha diện tích trồng cam. Trong đó, vụ cam năm 2021, toàn huyện có hơn 400 ha cam cho thu hoạch đại trà. Sản lượng vụ cam năm nay trên toàn huyện ước đạt 4.000 tấn. Theo khảo sát về việc tiêu thụ sản phẩm, nông dân tự kết nối tiêu thụ được 1.500 tấn, còn lại 2.500 tấn cần hỗ trợ kết nối của các tổ chức.
Phòng NN&PTNT huyện cùng Ban Quản lý nhãn hiệu chứng nhận cam Thượng Lộc (nhãn hiệu cam Thượng Lộc là chỉ dẫn địa lý cho cam vùng Trà sơn, Can Lộc) đang cùng với các địa phương trồng cam kết nối, bao tiêu sản phẩm và cung cấp thông tin thị trường, số điện thoại nhà xe chuyển hàng... để hỗ trợ nông dân.
Chia sẻ về thị trường đầu ra của cam Thượng Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết, ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ cam giảm đáng kể. Để nâng cao chất lượng, sản lượng cam, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhận diện thương hiệu, chính sách về xây dựng sản phẩm Ocop, hỗ trợ hệ thống nước tưới, kho đông lạnh...
Can Lộc cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm, thúc đẩy chủ trang trại tham gia các hội chợ. Đặc biệt, các sản phẩm cam đạt chứng nhận Ocop có tem truy xuất nguồn gốc đã và đang đứng vững trên thị trường.
Các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội đồng thời liên kết với các doanh nghiệp đưa cam Thượng Lộc đến những thị trường tiêu thụ mạnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Ngoài ra, huyện Can Lộc phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để đưa cam Thượng Lộc lên sàn thương mại điện tử và kết nối với hệ thống siêu thị đưa cam đạt chuẩn VietGap, Ocop lên kệ siêu thị để có thị trường ổn định, giá cao hơn.