Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết
18 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành ngày hội của lòng dân để hướng về Ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930). Không chỉ là biểu tượng sinh động cho khối đại đoàn kết, Ngày hội đã trở thành chất keo gắn kết, nhân lên sức mạnh từ mỗi cộng đồng dân cư.
1. Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư. Mục đích ban đầu của Ngày hội là ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, dịp để báo cáo những kết quả hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhưng sau 18 năm, Ngày hội đã không chỉ còn là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ mà đã trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân, lắng nghe dân.
Chia sẻ về ý nghĩa của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, đây là dịp để bà con trong khu dân cư ôn lại truyền thống lịch sử của MTTQ Việt Nam, là dịp người đi xa được trở về, cũng là dịp để bà con trong cộng đồng cùng nhau kiểm điểm lại những công việc đã làm trong năm, những việc triển khai tốt, những việc triển khai chưa tốt từ đó tạo sự đồng thuận, cùng nhau xây dựng những khu dân cư bình yên, phát triển.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là dịp để cán bộ đảng viên về sinh hoạt ở nơi cư trú với nhân dân. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh, thành... về sự Ngày hội để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng là dịp chuyển tải những chủ trương, đường lối, những mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với toàn thể nhân dân mà cụ thể trong từng khu dân cư.
2. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Dù diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, nhưng tùy theo điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhiều khu dân cư trên cả nước đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Dịp này các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các vị trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều đi xuống các địa bàn dân cư để gặp gỡ động viên nhân dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con.
Về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.
Tổng Bí thư khẳng định, mục đích của Ngày hội là nhằm xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Kết quả của Ngày hội sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước” - Tổng Bí thư nêu rõ.
Dự Ngày hội Đại đoàn kết với đồng bào Cơ Tu ở xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính quyền và nhân dân cần tiếp tục thực hiện lời dạy của Người để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Muốn vậy, Đảng bộ, chính quyền phải luôn gần dân, sát dân, lắng nghe dân, lắng nghe ý kiến của Mặt trận để có được niềm tin của nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc căn dặn cán bộ địa phương không được mắc bệnh hình thức, phải gần dân, sát dân, hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Có như vậy mới thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền.
Nói chuyện với bà con liên khu dân cư các xóm Pác Bó, Nặm Lìn, Nà Lẹng (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là một nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua khó khăn, chúng ta càng thấy tình đồng chí, nghĩa đồng bào lớn lao hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị quý báu này để vượt qua những khó khăn, thách thức sắp tới, khắc phục hậu quả dịch bệnh, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân xóm Quyết Tâm (xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, càng lúc khó khăn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết.
Nhắc lại Định Hóa là nơi Bác Hồ viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp tục đổi mới hơn nữa tất cả các mặt hoạt động, Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng phải nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tất cả vì cuộc sống bình yên và ngày càng ấm no, sung túc hơn của người dân, bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng của nhân dân, của doanh nghiệp.
3. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 91 năm qua đã minh chứng. Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Và đó cũng là khẳng định của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khi cho rằng, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam là sẽ cố gắng làm sao động viên, giữ gìn, phát huy, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết từ đó giúp cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đất nước ta phát triển ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và mọi người, mọi nhà có được cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến: Giữ gìn, hun đúc tinh thần đại đoàn kết
Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021), Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã chuyển đến đồng bào cả nước lời nhắn nhủ: Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là một tài sản vô giá. Do vậy, trong bất cứ mọi hoàn cảnh, tình huống nào chúng ta cũng phải chăm lo giữ gìn, hun đúc truyền thống tốt đẹp này để phát huy và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau.