Cách nào ghìm giá cả leo thang?

Hải Nhi - Hoài Dương 21/11/2021 07:12

Sau khi xăng tăng giá, giá gas, vàng cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm cũng đồng loạt tăng đã tác động trực tiếp tới đời sống của người dân. Cách nào để ghìm giá hàng hóa, nhất là thời điểm sau dịch bệnh và mùa tiêu dùng cuối năm đang đến gần?

Vẫn chưa hạ nhiệt

Những ngày qua do tác động tăng giá của các loại nhiên liệu, nguyên vật liệu, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng giá. Dễ nhận thấy, ngay ở các khu chợ truyền thống, ngoài giá thịt lợn ổn định, các loại thịt gà, bò, tôm, cá… đều nhích dần, riêng giá rau xanh tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Như tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), chị Trần Minh Tâm cho biết: Rau bắp cải hiện có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, nhất là các loại rau gia vị như thì là, rau mùi, húng Láng dao động từ 120.000 -140.000 đồng/kg. Rồi giá dầu ăn, sữa, mì tôm, đường, giấy vệ sinh, thực phẩm tươi sống… cũng tăng.

“Cả tháng qua các loại hàng hóa tăng giá ăn theo giá xăng, giá gas đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, chị Tâm lo ngại.

Ảnh: Quang Vinh.

Còn tại hệ thống một số siêu thị, với các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, từ cuối tháng 10 đến nay nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ đã phải áp dụng bảng giá mới với xu hướng tăng từ 10 - 25%. Với nhóm hàng hóa mỹ phẩm, đây là mặt hàng vẫn bán tốt trong dịch nên đã điều chỉnh từ giữa tháng 10 với mức tăng 6 - 12%.

Nhìn nhận về giá cả tăng thời điểm nay, đại diện một doanh nghiệp (DN) cho rằng, sau thời gian sản xuất trong điều kiện chống dịch đầy khó khăn, thời điểm hiện nay các DN sản xuất trong hiệp hội đang bắt đầu ổn định để chuẩn bị hàng hóa cho những tháng cuối năm.

Trong suốt mùa dịch, nhiều DN đã nỗ lực không tăng giá. Nhưng bước vào tháng 12, nhiều mặt hàng sẽ phải điều chỉnh tăng giá vì áp lực đầu vào, nguyên liệu, chi phí sản xuấn rất lớn.

Lý do tăng giá là để cung ứng kịp nhu cầu hàng hóa trong mùa dịch, các DN gần như sử dụng hết những nguyên liệu dự trữ, họ cố gắng giữ vì xem như là một phần trách nhiệm với cộng đồng. Vấn đề hiện nay là dù DN đã khởi động lại hoạt động sản xuất nhưng sức mua rất thấp, hàng bán ra rất ít dù so với tháng trước sức mua đã tăng hơn 20%.

Ảnh: Quang Vinh.

Lạm phát ở mức thấp

Trước thực tế giá cả nhiều hàng hóa tăng mạnh, một số ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lạm phát. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020... Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%. Tốc độ tăng CPI bình quân 10 tháng so với cùng kỳ các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,27%; tăng 3,71%; tăng 3,6%; tăng 2,48%; tăng 3,71%; tăng 1,81%.

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, đến tháng 10/2021, mức lạm phát ở nước ta vẫn thấp. Nhưng thực tế ngoài thị trường đang phát sinh một số vấn đề, thứ nhất liên quan đến giá xăng đang rất cao, lên tới 25.000 đồng/lít.

Thứ hai là giá nguyên nhiên vật liệu mà đầu vào sản xuất tăng cũng khá cao, đặc biệt trong đó là nhóm sắt thép, vật liệu xây dựng. Thứ ba là nhóm lương thực, thực phẩm và giá rau xanh ở một số khu vực có xu hướng tăng giá cao.

Với dự báo khả năng xuất hiện lạm phát ở Việt Nam, và đặc biệt mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo về áp lực lạm phát có thể tăng vào những tháng cuối năm của năm 2021, và sang năm 2022, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Phải xem xét lại thực trạng lạm phát và áp lực lạm phát ở Việt Nam trong cuối năm 2021, đầu năm 2022 thực tế đang diễn ra như thế nào, và áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Cùng với đó cần xác định nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng tăng giá như vậy. Ví dụ, liên quan tới rau xanh tăng giá cao trong thời gian qua, liệu có liên quan gì đến tính chất mùa vụ, thời tiết hay thiên tai dịch bệnh gì không?

Rau xanh tăng giá mạnh.

Hiện trên thị trường thế giới giá cả cũng đang tăng rất cao, thể hiện chủ yếu trên giá năng lượng, mặt khác Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng công bố giá lương thực thực phẩm từ đầu năm đến nay tăng đến 30%. Những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều cho thấy mức độ lạm phát rất cao. Như vậy rõ ràng nguy cơ lạm phát ở Việt Nam là rất lớn.

Phân tích về chỉ số giá tiêu dùng khẳng định lạm phát vẫn ở mức thấp (theo Tổng cục Thống kê), TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Vấn đề là giá đầu vào tăng nhiều nhưng các DN Việt Nam hiện vẫn đang rất chần chừ, thậm chí là cẩn trọng tăng giá bán. Bởi vì hiện nay nhu cầu tiêu thụ thấp mà tăng giá bán thì nhu cầu càng đi xuống.

Điều đó cũng xuất phát từ thực tế thu nhập của một bộ phận lớn người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, do đó chi tiêu bị hạn chế. Chính yếu tố hạn chế chi tiêu đã thể hiện ở tổng mức tiêu dùng bán lẻ hiện đang rất thấp, thậm chí là âm. Đây là yếu tố quan trọng ghìm lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua.

Thế nên, nếu như thu nhập của bộ phận người lao động này tăng, nói cách khác niềm tin tiêu dùng tăng lên thì tiêu dùng sẽ được phục hồi. Lúc đó rất có thể lạm phát sẽ bùng nổ. Đó là yếu tố rất cần lưu ý.

TS Vũ Đình Ánh cũng giải thích, yếu tố lạm phát tăng cao ở các nước trên thế giới hiện nay là việc tung ra các gói hỗ trợ an sinh hay kích thích kinh tế rất lớn. Về nguyên tắc tiền tung ra kiểu như vậy chắc chắn sẽ gây ra lạm phát.

Tương tự vậy, ở Việt Nam hiện nay các gói kích thích an sinh và kinh tế có gói đã triển khai, có gói đang chuẩn bị. Về hỗ trợ an sinh đã có một bộ phận được hỗ trợ. Dù mức hỗ trợ vài triệu đồng mỗi người, nhưng con số tổng hợp là khá lớn. Đây có thể là yếu tố kích thích lạm phát trong thời gian tới.

Mặt khác, cũng cần đề cập tới áp lực lạm phát lớn nhất của Việt Nam là từ nhập khẩu lạm phát. Điển hình là giá xăng dầu, thế giới tăng thì mình cũng phải tăng. Nhưng yếu tố ngược lại hiện nay liên quan tới tiêu dùng chậm phục hồi. Nếu tiêu dùng phục hồi thì lập tức những biến động của giá đầu vào tăng sẽ áp lực lên giá đầu ra ngay lập tức, nói cách khác là lạm phát sẽ tăng lên.

Giá xăng tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng leo thang.

Giải pháp nào để ổn định thị trường?

Khẳng định lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, để ghìm giá trên thị trường hiện nay, giới chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề phải tìm hiểu nguyên nhân của một số hàng hóa tăng mạnh, tăng đột biến thời gian qua. Đặc biệt là mùa lễ tết đang tới gần, cao điểm của mua sắm sẽ là trong tháng 1/2022. Vì vậy, các DN phải tập trung sản xuất đảm bảo đủ hàng hóa cho mùa lễ tết.

Nếu để thiếu hàng hóa, đặc biệt các DN đang trong bối cảnh khó khăn về dịch bệnh thì khả năng thiếu hàng hóa trong mùa lễ tết tới đây là có thể xảy ra. Nếu để thiếu thì giá sẽ tăng theo quy luật cung cầu. Như vậy sẽ tác động tiêu cực tới vấn đề lạm phát của tháng 1 cũng như những tháng tiếp theo. Nên việc phục hồi sản xuất của các DN đáp ứng đủ nguồn cung hàng hóa cho mùa lễ tết là rất quan trọng.

Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ DN để họ mạnh dạn quay lại sản xuất, đồng thời không chuyển tăng giá của nguyên nhiên vật liệu vào giá hàng hóa. Điều đó vừa đảm bảo việc nâng sức mua, đồng thời cũng không gây áp lực lên lạm phát.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh tháng 1/2022, Nhà nước phải thận trọng xem xét và điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ mà đang quản lý giá. Ví dụ điện, nước, xăng dầu… hay dịch vụ giáo dục, y tế sau dịch bệnh. Những chính sách ấy phải căn cứ vào mục tiêu thực hiện kiềm chế kiểm soát lạm phát.

Liên quan tới kiểm soát lạm phát, nhiều người đã đề cập tới việc trên thế giới giá hàng hóa tăng mạnh do nguyên nhân đứt gẫy của các chuỗi cung ứng, đặc biệt liên quan tới vấn đề tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng tới tắc nghẽn lưu thông hàng hoá.

“Ở Việt Nam chi phí lưu thông rất lớn, tính cả chi phí vận tải, logistic cũng như chi phí liên quan tới khâu trung gian thương mại. Để tiền kiểm soát lạm phát giá cuối cùng, việc kiểm soát, kiềm chế chi phí lưu thông cũng như chi phí tăng thêm của khâu trung gian thương mại đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát tăng giá hàng hoá dịch vụ đến tay người tiêu dùng”, TS Vũ Đình Ánh lưu ý.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính: Yếu tố tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu từ nước ngoài rất khó thay đổi do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nước trên thế giới đang phục hồi nên chúng ta phải chấp nhận mức giá cao ở một thời điểm nhất định.

Thay vào đó, các DN phải tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn đạt hiệu quả tốt nhất có thể. Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt giá cả, tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Tăng cường quản lý những mặt hàng do Nhà nước định giá, mặt hàng thuộc diện phải kê khai giá, làm cho giá cả đi vào nền nếp, ổn định thị trường.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh: Lạm phát năm 2022 chắc chắn sẽ tăng khá mạnh bởi với gói cứu trợ khá lớn nhằm tiếp sức cho người dân, DN, sẽ có một lượng cung tiền mặt không nhỏ được đưa ra lưu hành.

Cùng với đó, cung tiền tăng còn thông qua kênh khác là ngân hàng giảm lãi vay để kích thích DN hồi phục. Các gói cứu trợ có thể không vượt quá 10% GDP nhưng cũng gây áp lực không nhỏ lên vấn đề điều hành vĩ mô.

Bởi lẽ, với khối lượng tín dụng, cung tiền bơm vào nền kinh tế, nếu DN tận dụng kinh doanh có hiệu quả thì không sao, còn ngược lại sẽ tạo sức ép lên lạm phát.

Hải Nhi - Hoài Dương