Châu Âu rơi vào vòng xoáy Covid-19

Thế Tuấn 21/11/2021 09:47

Giữa lúc châu Âu rơi vào vòng xoáy dịch Covid-19, bác sĩ miễn dịch Zhemchugov - chuyên gia người Nga về các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, đã đưa ra dự báo về 3 khả năng diễn biến của dịch trong tương lai. Khả năng đầu tiên là virus SARS-CoV-2 có thể tìm một vật chủ mới để cư ngụ, thay vì con người như hiện nay. Khả năng thứ hai là nó tự biến mất giống như SARS và MERS. Và khả năng thứ ba là SARS-CoV-2 sẽ ký sinh thường xuyên trên người, giống như những loại virus khác. Đây được cho là kịch bản xấu nhất đối với nhân loại.

Châu Âu đã vào mùa đông giá rét nhưng lại nóng lên vì sự bùng phát dữ dội của Covid-19. Trong đó, từng là hình mẫu phòng chống Covid-19 thì nước Đức lại trở thành điểm bùng phát dịch nóng nhất châu lục mà những người “nói không” với vaccine được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng lây nhiễm lần thứ tư tại nước này.

“Tôi luôn tự hỏi tại sao họ lại không tiêm phòng?”

Bệnh viện Đại học Giessen, một trong những cơ sở khám và điều trị bệnh phổi hàng đầu nước Đức, đang phải hoạt động hết công suất sau khi ghi nhận số bệnh nhân mắc Covid-19 mới tăng cao gấp ba trong những tuần gần đây. Hầu hết những bệnh nhân này phải cần đến sự hỗ trợ của máy thở và dĩ nhiên, đều chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19.

“Tôi luôn tự hỏi tại sao họ lại không tiêm phòng?” - bác sĩ Susanne Herold (Khoa Truyền nhiễm của bệnh viên) nói.

Theo Viện Robert Koch, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Đức được đánh giá là hình mẫu trong nỗ lực đối phó với đại dịch nhờ khả năng kiểm soát tốt số ca tử vong, đẩy nhanh quá trình xét nghiệm diện rộng và tăng số phòng điều trị tích cực (ICU) cho các bệnh nhân thể nặng. Tuy nhiên, việc chậm triển khai tiêm vaccine tăng cường, nhất là trong những tháng mùa đông đã khiến nước Đức rơi vào tình thế khó khăn.

Tới đầu tháng 11, vẫn còn tới 1/3 người dân Đức chưa được tiêm phòng đầy đủ. Theo Bộ Y tế Đức, nước này đang trải qua một “đại dịch của những người chưa được tiêm chủng”. Còn Markus Soder -Thống đốc bang Bavaria cho rằng nước Đức đang tồn tại “hai loại virus”: Đó là SARS-CoV-2 và “thông tin độc hại” từ chính những người bài xích vaccine. Trong khi đó, nhiều nhà hàng tại vẫn trưng biển sẵn sàng đón “tất cả thực khách”, kể cả những người chưa được tiêm chủng.

Bác sĩ hồi sức tích cực Niklas Schneider (Bệnh viện Munich) cho biết: “Chúng tôi đang làm việc hết công suất. Số bệnh nhân tăng lên rất nhanh và đúng là thảm họa”.

Cho tới giữa tháng 11/2021, nước Đức vẫn còn hơn 16 triệu người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine, đây chính là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong làn sóng dịch lần này.

Tuy nhiên, mùa đông này, không chỉ nước Đức bị Covid-19 tấn công, mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng vô cùng lúng túng với số ca mắc trên khắp châu lục đã tăng hơn 50% trong tháng 10 vừa qua và vẫn tiếp tục xu hướng đáng lo ngại này trong tháng 11. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cảnh báo, khu vực này “một lần nữa trở thành tâm chấn dịch bệnh” và nhận định của ông đã được chứng minh là có cơ sở.

“Giới hạn của sự lo ngại”

Cùng với Đức, người Hà Lan đã không có thể còn thờ ơ với dịch, khi có ngày ghi nhận tới 16.000 ca mắc, cao nhất kể từ đầu năm 2020 khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Còn tại Bỉ, chính quyền đã buộc phải tái áp dụng một số hạn chế chống Covid-19, trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, xuất trình thẻ thông hành Covid-19 khi vào các nhà hàng, quán bar, và câu lạc bộ thể thao, giấy chứng nhận tiêm đầy đủ vaccine, xét nghiệm âm tính trong thời gian gần nhất.

Tom Wenseleers - nhà sinh học tiến hóa và thống kê sinh học tại Đại học Leuven (Vương quốc Bỉ), cho biết hệ thống y tế tại quốc gia này đã hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, còn đáng lo ngại hơn là tình hình tử vong cao ở các quốc gia Đông Âu như Romania, Bulgaria và Latvia. Theo mô tả của nhóm nghiên cứu Đại học Johns Hopkins, thì tại một bệnh viện lớn ở Bucharest (Romania) ngay đến phòng chờ cũng trở thành khu cấp cứu.

“Tỷ lệ tiêm chủng thấp và tâm lý hoài nghi vaccine là nguyên nhân dẫn đến điều này” - chuyên gia Wenseleers nhận xét và cho rằng tình hình đã ở “giới hạn của sự lo ngại”. Vấn đề không phải là thiếu vaccine bởi theo quy định chung của Liên minh châu Âu (EU) , 27 quốc gia thành viên đều có thể mua vaccine với số lượng tương đương nhau. Dù vaccine có sẵn nhưng nhiều quốc gia đã không thuyết phục được đa số người dân đi tiêm phòng.

Nhìn chung, các nước Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với những khu vực khác ở châu Âu. “Do tỷ lệ tiêm chủng thấp, nên số ca mắc tăng cao đồng nghĩa với việc số người chết sẽ gia tăng” -chuyên gia Wenseleers nhận định và cho rằng những nỗ lực đang được các quốc gia châu Âu áp dụng trong đợt bùng phát dịch lần này phải được coi là quá muộn.

Kể từ đầu tháng 11, một số nước châu Âu đã lại phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó với sự tăng mạnh số ca mắc Covid-19. Trong đó Hà Lan đã tiến hành phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ hôm 13/11 và tại Áo, từ ngày hôm nay, 15/11, những người chưa tiêm vaccine sẽ bị hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà.

Đối với Hà Lan, mặc dù đây chỉ là lệnh phong tỏa một phần và tương đối mềm so với các lệnh phong tỏa trong năm 2020 nhưng theo người dân, sự trở lại của các biện pháp hạn chế là điều rất khó chấp nhận, vì sẽ rất mệt mỏi nếu như phải tiếp tục sống với các đợt phong tỏa.

Marine M’Klor - nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, về mặt tâm lý, chắc chắn người dân châu Âu không chấp nhận các đợt phong tỏa khắc nghiệt như hồi tháng 3/2020, tức là hầu như người dân bị cấm ra khỏi nhà, toàn bộ hoạt động kinh tế tê liệt. Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn rất khó lường khi châu Âu giờ lại là tâm dịch.

“Nhưng dẫu thế thì trong trường hợp diễn biến dịch không khả quan trong mùa đông này, thì các nước châu Âu có rất ít lựa chọn ngoài việc sẽ phải áp dụng lại biện pháp phong tỏa. Chỉ có điều mức độ phong tỏa đến đâu mà thôi” - Tiến sĩ Marine M’Klor nhận xét.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thậm chí còn đánh giá Covid-19 có thể kéo dài đến tận năm 2023. Tất nhiên, chúng ta có thể “sống chung” với Covid-19 nhưng vấn đề là với cái giá nào, về kinh tế, nhân mạng, về sang chấn xã hội. Về lâu dài, vaccine và thuốc uống chống Covid vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu. Nhân loại không thể sống mãi với các biện pháp hạn chế nhưng với điều kiện tiên quyết là tăng tối đa độ phủ vaccine cho dân chúng và phải nhanh chóng có thuốc đặc trị, đồng thời duy trì ở mức độ vừa phải các biện pháp giãn cách xã hội.

Hầu hết các quốc gia châu Âu đều đang hướng chiến lược chống dịch đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người cao tuổi, những người có bệnh nền nguy cơ cao, hay các trẻ em trong độ tuổi 11 - 17 tuổi, đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác, tái lập lại một số biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang bắt buộc, hạn chế số lượng người tại địa điểm công cộng khép kín. Về lâu dài để sống chung với Covid-19 trong khi không thể tái áp dụng và kéo dài các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, thì độ bao phủ vaccine và thuốc đặc trị phải được coi là chiến lược.

Thế Tuấn