Đi tìm nguồn nhân lực thời 4.0
Theo các báo cáo về thị trường lao động ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp trọng yếu và ngành kinh tế dịch vụ chiếm trên 80% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó các ngành công nghệ-kỹ thuật chiếm tỉ trọng lớn và nằm trong “top” có nhu cầu cao nhất.
Đặc biệt, một số báo cáo còn điểm mặt một số ngành rất cụ thể có tăng trưởng nóng nhất về nhu cầu nhân sự liên quan đến các xu hướng công nghệ hàng đầu đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, Xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain, Robot…
Thực tế với hơn 56 triệu lao động chiếm 57% dân số thì Việt Nam được đánh giá đang ở trong thời kỳ dân số vàng, dồi dào về số lượng lao động cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, về chất lượng nguồn nhân lực đang đối diện với nhiều thách thức.
Theo Navigos Research, sự thiếu hụt nhân lực công nghệ-kỹ thuật tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã phải đóng cửa trong thời gian qua.
Với mong muốn tạo diễn đàn kết nối các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để phát triển các chương trình đào tạo về lĩnh vực kĩ thuật - công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.
ĐHQG Hà Nội phối hợp với Bộ LĐTBXH vừa tổ chức Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân cho biết, việc đẩy mạnh các ngành kỹ thuật - công nghệ sẽ góp phần phát huy thế mạnh mô hình đa ngành, đa lĩnh vực trong ĐHQG Hà Nội. Trong thời gian tới, ĐHQG Hà Nội ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động 4.0, với mục tiêu 25% quy mô sinh viên các ngành này.
Giám đốc Lê Quân cho rằng, nhóm ngành này phải hướng tới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được nhu cầu của nhân lực trên thị trường quốc tế.
Do đó, ĐHQG Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng chất lượng cao để phát triển đội ngũ và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ.
Ông Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cho biết, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế cách mạng 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ.
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng, họ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tốt và sử dụng thành thạo 2 công cụ: Công nghệ tin học và Ngoại ngữ.
Cơ cấu trình độ, sự phân tầng chất lượng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt với mục tiêu cao nhất là cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng với các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thay đổi.
“Việc đẩy mạnh liên kết giáo dục nghệ nghiệp và giáo dục đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.