Không thể khắc phục tình trạng văn mẫu trong ngày một ngày hai
Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, khắc phục văn mẫu-được hiểu theo nghĩa “sao chép máy móc” đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới đánh giá.
Sau thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cho rằng, sách giáo khoa mới vẫn còn tồn tại bất cập, chất lượng dạy học chưa được cải tiến, nhất là môn Ngữ văn vẫn còn tình trạng dạy theo văn mẫu.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 6, bộ sách “Kết nối tri thức và cuộc sống”, nguyên Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những chia sẻ về vấn đề này.
PV: Để cải tiến chất lượng dạy học môn Ngữ văn, ông hãy chia sẻ quan điểm biên soạn SGK Ngữ văn 6 của bộ sách mà ông làm tổng chủ biên?
PGS. TS Bùi Mạnh Hùng: Trước hết, SGK Ngữ văn mới chú trọng giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe thông qua chính hoạt động đọc, viết, nói và nghe của các em. Thứ hai, sách tăng cường tích hợp các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe với nhau cũng như với kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn học trong cùng một bài học. Thứ ba, ngữ liệu cần được chọn lọc kỹ, phù hợp với mục tiêu giáo dục và đối tượng học sinh. Cuối cùng, sách cần phải phát huy khả năng tự học của học sinh, khơi gợi khả năng sáng tạo cho cả thầy và trò.
Tuy SGK có gợi ý phân bổ số tiết cho từng bài, nhưng vẫn để ngỏ khả năng các thầy cô linh hoạt về thời gian tùy vào tiến độ học của học sinh. Giáo viên cũng có thể thêm, bớt hoặc thay đổi trật tự các câu hỏi đọc hiểu văn bản.
Với một số văn bản, giáo viên có thể dạy ở lớp hoặc hướng dẫn cho học sinh tự đọc ở nhà. Đặc biệt, trong một số trường hợp, giáo viên có thể thay thế ngữ liệu nếu ngữ liệu mới phù hợp hơn với mục tiêu bài học và đối tượng học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị việc thay đổi ngữ liệu cần phải được tiến hành một cách cẩn trọng.
Với quan điểm biên soạn SGK mới như vậy, chúng tôi mong muốn Ngữ văn 6 sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc dạy học Ngữ văn trong thời gian tới.
Trình tự logic trong SGK sẽ được phát triển ra sao ở những lớp học tiếp theo, thưa ông?
- Sách thiết kế hệ thống bài học theo cả chủ đề lẫn thể loại. Chẳng hạn, bài 1 “Tôi và các bạn”, chủ đề là quan hệ bạn bè ở lứa tuổi học trò, các văn bản đọc chính thuộc thể loại truyện đồng thoại. Tương tự, bài 6 “Chuyện kể về những người anh hùng”, các văn bản đọc chính thuộc thể loại truyền thuyết.
Hệ thống chủ đề phát triển từ phạm vi đời sống gần gũi như bạn bè, gia đình, xã hội đến những vấn đề rộng lớn hơn như quê hương, đất nước, thế giới.
Độ khó của thể loại cũng theo xu hướng tăng dần, chẳng hạn, bài đầu tiên của Ngữ văn 6 có thể loại là truyện đồng thoại, còn những bài cuối cùng của sách dành cho văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Hệ thống bài học ở các lớp trên của trung học cơ sở cũng được thiết kế theo cách như vậy.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vấn đề dạy học theo văn mẫu lại được đặt ra. Liệu vấn đề này có được khắc phục với cách dạy và học Ngữ văn mới không, thưa ông?
- Khắc phục văn mẫu-được hiểu theo nghĩa “sao chép máy móc” đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới đánh giá. SGK Ngữ văn mới sẽ tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới cả phương pháp dạy học lẫn đánh giá.
Theo cách dạy cũ, giáo viên chủ yếu truyền đạt kiến thức về từng văn bản cụ thể và học sinh tiếp thu kiến thức đó một cách thụ động, nên các em không có khả năng tự đọc các văn bản mới. Vì thế, khi đánh giá, giáo viên cũng chỉ tập trung vào những văn bản học sinh đã học.
Với SGK mới, giáo viên không còn là người truyền giảng mà trở thành người tổ chức cho học sinh thực hành đọc, viết, nói và nghe. Các em được phát huy khả năng tự đọc, tự khám phá các văn bản theo “mã thể loại”. Nhờ đó, các em có thể tự đọc được các văn bản mới cùng “mã thể loại” mà các em đã học.
Bên cạnh tự đọc hiểu được một văn bản mới, học sinh còn có khả năng viết một cách sáng tạo nhờ được trang bị những tri thức về các kiểu văn bản viết và được hướng dẫn viết theo một quy trình bài bản để viết bằng ý tưởng và ngôn ngữ của chính các em. Đây là con đường để khắc phục vấn đề văn mẫu.
Tuy nhiên, con đường này còn dài mà năm học này mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta không thể khắc phục được tình trạng văn mẫu trong ngày một ngày hai.
Theo SGK Ngữ Văn mới, thầy và trò cần có hướng tiếp cận như thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần tạo nên một lớp công chúng có trình độ, hiểu biết cao về văn học, thưa ông?
- Học SGK Ngữ văn mới, học sinh cần phải tự chuẩn bị trước bài học ở nhà và phát huy vai trò tự học. SGK Ngữ văn được thiết kế theo cách hỗ trợ học sinh phát huy vai trò tự học đó.
Trên lớp, giáo viên không “đọc hộ” học sinh mà hướng dẫn để các em từng bước nâng cao khả năng khám phá giá trị của các tác phẩm. Khi khả năng đó của các em được nâng cao thì dần dần chúng ta sẽ có được một lớp độc giả mới có văn hóa đọc cao hơn và có khả cảm thụ văn học tốt hơn.
Chính lớp độc giả mới đó sẽ có ảnh hưởng tích cực trở lại đối với hoạt động sáng tác văn học. Tôi cũng tin rằng, trong tương lai, các tác phẩm văn học kinh điển sẽ có cơ hội đến với độc giả nhiều hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!