Sự trỗi dậy của một ‘đế chế ma túy’ - Kỳ 1: Chuyên án Sunblock
Sự sụp đổ của một đường dây heroin có trụ sở tại Mỹ vào những năm 1990 đã đặt nền móng cho một băng nhóm chuyên buôn bán chất gây nghiện tổng hợp trị giá hàng tỷ đô la ở châu Á như thế nào?
Đặc vụ FBI Mark Calnan đã vô cùng ngạc nhiên khi gặp được trùm ma túy khét tiếng, kẻ mà ông đã bỏ công điều tra trong suốt sáu năm qua.
Với mái tóc rẽ ngôi giữa màu đen và gu thời trang giản dị, Tạ Đình Phong trông không giống kẻ cầm đầu một tổ chức ma túy đa quốc gia, chuyên phân phối heroin khắp mọi ngóc ngách của New York trước khi bị bắt vào ngày 12/8/1998.
Và khi ngồi trong phòng thẩm vấn ở Hồng Kông, anh ta cũng cư xử như một người khác.
Cựu đặc vụ FBI chia sẻ với CNN từ nhà riêng ở New Jersey cho biết, khi bị bắt, vác nghi phạm thường phản ứng theo một trong hai cách. Một là những người bằng mọi cách “chiến đấu” để bảo vệ đường dây phạm tội của mình. Những người còn lại thì hợp tác vì lo lắng, nếu không khai có nghĩa là thời gian ngồi tù sẽ lâu hơn.
Nhưng Tạ Đình Phong không làm theo cả hai cách. Anh ta bình tĩnh, thân thiện và kín tiếng về những gì suy nghĩ trong tâm trí - ngay cả khi đặc vụ Calnan tiết lộ, Mỹ sẽ yêu cầu dẫn độ anh ta. Tạ Đình Phong chỉ cười.
“Anh ta khá ấn tượng. Anh ta rất khác biệt”, cựu đặc vụ Calnan nói.
Vào cuối năm 1998, Tạ Đình Phong có mặt ở New York, nơi anh ta nhận tội danh âm mưu nhập khẩu heroin vào Mỹ và bị kết án 9 năm tù. Nhưng nếu các nhà chức trách hy vọng rằng có thể cải tạo Tạ Đình Phong sau một thời gian ngồi tù thì có vẻ như họ đã nhầm.
Hai thập kỷ sau, Tạ Đình Phong bị cáo buộc là người đứng đầu một băng đảng buôn bán ma túy tổng hợp, thu nhập ước tính khoảng 17 tỷ USD mỗi năm. Kể từ khi ra tù, anh ta được cho là sống một cuộc sống xa hoa, được xây dựng từ đế chế ma túy mà anh ta điều hành với một danh tính khác và khá kín tiếng, cho đến khi sự tồn tại của anh ta được công bố trong một bản tin vào năm 2019.
Sau đó, vào tháng 1 năm nay, Tạ Đình Phong bị bắt tại Sân bay Quốc tế Schipol ở Amsterdam, Hà Lan theo lệnh của Cảnh sát liên bang Australia, đơn vị dẫn đầu một cuộc điều tra kéo dài hàng thập kỷ về tổ chức của trùm ma túy họ Tạ.
Người đàn ông từng điềm tĩnh ngồi đối diện với đặc vụ Calnan nay bị cáo buộc là kẻ chủ mưu đứng sau tổ chức Sam Gor, được cho là hoạt động buôn bán ma túy lớn nhất trong lịch sử châu Á. Nhà chức trách Australia đang tìm cách dẫn độ Tạ Đình Phong về tội buôn bán Methamphetamine (chất gây nghiện tổng hợp).
Thông qua luật sư của mình, Tạ Đình Phong từ chối nói chuyện với CNN về câu chuyện này. Tuy nhiên, trong một phiên điều trần dẫn độ vào tháng 6, anh ta nói với một thẩm phán người Hà Lan rằng, anh ta vô tội.
Manh nha một đường dây
Khi các công tố viên chuẩn bị hồ sơ khởi tố Tạ Đình Phong, CNN đã tìm hiểu về quá khứ của anh ta, để hiểu rõ hơn về người đàn ông mà nhà chức trách Australia tuyên bố là một trong những trùm ma túy thành công nhất thế kỷ 21.
Đây là câu chuyện về tổ chức đầu tiên của Tạ Đình Phong: Làm thế nào nó phát triển mạnh trong các nhà tù ở Mỹ; cách cảnh sát từ khắp nơi trên thế giới phá hủy nó; và làm thế nào, từ đống tro tàn của nó, người đàn ông có vẻ khiêm tốn đến từ miền Nam Trung Quốc này, được cho là có thể đặt nền móng cho một đế chế ma túy trị giá hàng tỷ đô la từ một nhà tù ở chân núi Appalachian.
Cuộc điều tra của FBI dẫn đến việc Tạ Đình Phong bị bắt ở Hong Kong, khởi đầu từ những hoạt động buôn bán ma túy ở góc phố ở Bronx, khoảng 20 năm sau khi chính phủ Mỹ phát động cuộc chiến chống ma túy dưới thời Tổng thống Richard Nixon.
Để chấm dứt điều mà người của đảng Cộng hòa gọi vào năm 1980 là "đại dịch tàn sát do lạm dụng ma túy" càn quét đất nước, chính phủ Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào công tác chống ma túy và thông qua các đạo luật áp dụng các bản án nghiêm khắc đối với tội phạm ma túy.
Nhưng các bản án cứng rắn dành cho tội phạm ma túy và việc đầu tư vào công tác an ninh đã không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo báo cáo của Nhà Trắng, đến năm 1992, heroin ở Mỹ ngày càng rẻ hơn, tinh khiết hơn và phần lớn đến từ Đông Nam Á. Báo cáo cho biết, heroin đó là một trong những loại tinh khiết nhất được tìm thấy ở Mỹ và rất dễ bị sử dụng quá liều từ một lượng nhỏ.
Hậu quả rất thảm khốc, đặc biệt là ở thành phố New York, nơi tập trung hầu hết những người nghiện heroin ở Mỹ. Hàng nghìn người đã được đưa đến phòng cấp cứu mỗi năm sau khi sử dụng ma túy. Hàng trăm người đã chết.
Năm đó, đặc vụ Calnan được một đồng nghiệp mách nước về hoạt động buôn bán ma túy ở Bronx, góc 183 và Walton và điều này đã thay đổi sự nghiệp của anh ấy. Vào thời điểm đó, Calnan đang làm việc cho FBI ở New York với tư cách là thành viên của Đội hình sự 25.
Như đã biết, C-25 được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề ngày càng tăng của tội phạm có tổ chức liên quan đến người châu Á và người Mỹ gốc Á - đặc biệt là những băng nhóm buôn bán heroin từ Đông Nam Á đang tràn vào Mỹ.
Kết nối “chân rết”
Câu chuyện bắt đầu khi Calnan và nhóm của ông bắt đầu khảo sát góc phố cách Sân vận động Yankee vài dặm, ông xác định được những kẻ tình nghi và bắt đầu gọi điện thoại, một cái tên liên tục xuất hiện: Sonny.
Vấn đề là có ít nhất hai nghi phạm tên Sonny. Có Sonny từ New Jersey và Sonny từ Leavenworth, một nhà tù ở Kansas, Mỹ. Một Sonny ở bên ngoài xã hội và người kia là Sonny ở trong tù.
Sony bên ngoài được biết đến là một tay buôn heroin người Malaysia sống ở New Jersey. Còn Sonny bên trong là một ông trùm, anh ta đã tìm ra cách điều hành việc kinh doanh heroin từ bên trong một nhà tù liên bang.
Vào một ngày mùa thu ấm áp năm 1983, Yim Ling đã không phát hiện những kẻ lặng lẽ đột nhập vào nhà cô ở Kingston, New York. Cô đang ở trong phòng ngủ, chuẩn bị thay đồ để đến làm việc tại quán trà Trung Hoa của gia đình, thì ai đó đã túm lấy cô từ phía sau.
Theo lời kể của một cảnh sát địa phương được giao phụ trách vụ án, Yim Ling đã chống trả lại, nhưng một trong những kẻ bắt cóc đã bịt miệng cô ấy bằng một chất hóa học, có thể là chloroform.
Chính phủ tin rằng, Yim đã vô tình bị giết trong cuộc chống trả, mặc dù những kẻ bắt giữ cô chưa bao giờ đề cập đến điều đó khi tống tiền chồng cô với số tiền gần 200.000 USD. Thi thể của Yim không bao giờ được tìm thấy.
Các nhà chức trách đã buộc tội một số kẻ tình nghi về vụ bắt cóc, trong đó có Yong Bing Gong, khi đó là một cựu nhân viên 23 tuổi tại quán trà của gia đình Yim.
Gong bị kết án tù chung thân, đây là thời điểm anh ta trở thành “Sonny trong tù”: người cung cấp nguồn hàng cho những kẻ buôn bán heroin ở góc phố New York mà đặc vụ Calnan đang theo dõi.
Gong thực hiện các giao dịch mua bán ma túy tại chính nơi trừng phạt những người buôn bán ma túy.
Gong đã trao đổi với CNN thông qua các cuộc điện thoại, thư từ và email, mặc dù anh ta từ chối chia sẻ cụ thể về tội danh buôn bán heroin, bản án được tuyên khi anh ta đang ở trong tù. Gong hy vọng rằng, việc chia sẻ một phần câu chuyện cuộc đời sẽ khiến anh ta có dịp nhìn lại những bản án dài bất công đối với mình.
Anh ta bị tuyên 27 năm tù nữa vì tội buôn bán heroin cùng với bản án chung thân đầu tiên. Sau gần 40 năm ngồi sau song sắt, Gong tin rằng, mình đã trả được nợ cho xã hội và không nên bị mọi người "lãng quên và bỏ rơi".
"Tôi biết mình không phải là thiên thần, nhưng tôi vẫn là một con người", Gong nói.
Sinh năm 1960 tại Malaysia, Gong dấn thân vào cuộc sống phạm tội khi còn rất trẻ. Cha anh sở hữu một công ty gỗ ở Indonesia và thường xuyên vắng nhà, còn mẹ anh có sáu người con, vì vậy bà không có quá nhiều thời gian cho việc kiểm soát đứa con trai ngỗ ngược của bà. Điều đó khiến Gong thoải mái "chạy trên đường phố".
Gong tham gia một băng đảng năm 12 tuổi, đến năm 20 tuổi, Gong phải ngồi tù 2 năm ở Malaysia, sau nhiều lần trốn tránh. Sau khi được trả tự do vào năm 1982, anh ta đến Mỹ.
Trong vòng khoảng một năm, anh ta phải ngồi tù vì vụ bắt cóc Yim.
Ban đầu, Gong thấy việc bị giam giữ có vẻ “buồn chán và cực nhọc". Anh ta cần thứ gì đó để thêm gia vị cho sự tồn tại hàng ngày của mình. Vì vậy, sau sự giới thiệu của một tù nhân khác, anh ta chuyển sang buôn bán heroin.
Bảnh bao, nói nhiều và hơi bỗ bã, Gong là một người có mạng lưới rộng khắp, và không có nơi nào tốt hơn để gặp gỡ các khách hàng mới bằng ở trong tù.
Gong sẽ giao dịch với các tù nhân khác, sau đó phối hợp với các đầu mối của anh ta ở bên ngoài để bán heroin qua hệ thống điện thoại của trại giam. Mọi người đều nói chuyện bằng mật mã vì các cuộc gọi của tù nhân luôn được ghi âm, mặc dù không phải lúc nào cũng bị giám sát.
Nhóm điều tra của đặc vụ Calnan đã yêu cầu được cung cấp các đoạn băng ghi âm trong tù và phá khóa mật mã của Gong, điều này không quá phức tạp - đôi khi nó chỉ có nghĩa rằng, coi heroin là "thực đơn" và các đại lý là "nhà hàng Trung Quốc".
C-25 đã có trong tay một chuyên án và giống như bất kỳ chuyên án nào, nó cần một cái tên.
Họ chọn tên Sunblock cho chuyên án của mình, cái tên được theo tên của Sonny và khối phòng giam của anh ta.
Ông trùm lộ diện
Heroin mà Gong giao dịch gần như chắc chắn đến từ Tam giác vàng, khu vực biên giới lịch sử vô luật pháp, nơi giao nhau giữa Thái Lan, Lào và Myanmar.
Khí hậu của khu vực này rất lý tưởng để trồng cây thuốc phiện. Những ngọn đồi và rừng rậm xung quanh khiến lực lượng thực thi pháp luật khó tiếp cận khu vực này, cho phép các lực lượng dân quân và lãnh chúa thống trị phía Myanmar trong khu vực trở thành một trong những trùm buôn bán heroin lớn nhất thế giới.
Sản xuất tăng mạnh vào những năm 1960, khi những nhóm này nhận ra rằng, họ có thể sử dụng phòng thí nghiệm để chế biến thuốc phiện thành các chất mạnh hơn, chẳng hạn như morphin và heroin. Và nó tiếp tục bùng nổ trong những thập kỷ sau đó.
Vào cuối những năm 1980, loại thuốc này đã tràn vào Mỹ. Theo Lực lượng Chống ma túy của Mỹ, vào năm 1990, heroin từ Đông Nam Á chiếm 56% nguồn cung của Mỹ và gần 90% của thành phố New York. 5 năm trước, nó chỉ là 14% nguồn cung của Mỹ.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, những loại ma túy này vào Mỹ phần lớn thông qua những người Mỹ và Canada gốc Trung Quốc, hoặc những người có liên hệ với các nhóm tội phạm Trung-Thái, chẳng hạn như Paul Kwok.
Mặc dù hồ sơ tòa án cho biết, Gong và Kwok gặp nhau lần đầu trong tù, nhưng Gong lại nói với CNN rằng, họ đã cùng nhau trải qua những ngày đầu tiên khi sống ở New York vào đầu những năm 1980.
Năm 1983, Kwok, người có quốc tịch Canada, bị kết án tù ở Mỹ vì tội buôn bán heroin. Thật tình cờ, anh ta ở cùng nhà tù với Gong và hai người ngày càng thân thiết hơn. Cuối cùng, họ đã kinh doanh ma túy cùng nhau.
Khi Kwok gần đủ điều kiện để được ân xá, anh ta bị chuyển đến một nhà tù ở Canada trước khi được trả tự do vào năm 1990. Cuối cùng, anh ta bắt đầu sử dụng các mối quan hệ của mình để nhập khẩu heroin vào Canada.
Theo Calnan, hồi đó, việc vận chuyển ma túy bất hợp pháp vào Canada dễ dàng hơn so với ở Mỹ. Sau đó, Kwok đã chuyển heroin qua biên giới Mỹ-Canada, nơi mà vào đầu những năm 1990, việc buôn lậu qua biên giới ít khó khăn hơn bây giờ.
Ở Mỹ, Gong sẽ sử dụng mạng lưới khách hàng mà ông ta đã phát triển trong nhà tù liên bang để tìm người mua.
Vào đầu năm 1994, Gong và Kwok có nguồn cung heroin nhiều hơn nên họ bắt đầu tìm nhiều cách hơn để vận chuyển số lượng lớn hơn vào Mỹ.
Vì vậy, Kwok đã tìm đến băng nhóm mafia Sicily ở Montreal để được giúp đỡ. Người Sicilia đồng ý hợp tác với một khoản phí, giấu heroin của Kwok cùng với ma túy của họ và chuyển tất cả số hàng lậu đến một tiệm hớt tóc trên Long Island.
Các cộng sự của Kwok sau đó sẽ nhận heroin của họ ở đó và mang đến cho các đại lý của Gong.
Khi FBI phát hiện ra mối liên hệ với nhóm Sicilia, Chuyên án Sunblock trở thành một vụ án quốc tế lớn. Calnan và nhóm của ông hiện đang truy lùng một tổ chức toàn cầu liên quan đến nhiều nhóm tội phạm có tổ chức. Quy mô đã lớn hơn.
FBI đã triển khai ít nhất bốn hướng theo dõi các cuộc điện thoại để tìm bằng chứng buộc tội về các giao dịch heroin.
Calnan đã thuê một đặc vụ ngầm lâu năm thực hiện các giao dịch mua bán ma túy với tổ chức của Gong để thu thập thêm bằng chứng. Đến tháng 9/1995, Sunblock đã có đủ thông tin để truy tố và bắt giữ hơn một chục người. Kwok đã bị bắt tại Canada và Gong bị kết án tù.
Kwok dường như là người nghiêm khắc, nghiêm túc và dường như thu hút sự tôn trọng trong thế giới tội phạm ngầm. Vì vậy, Calnan và một luật sư Mỹ được chỉ định trong vụ án đã đến Canada phỏng vấn Kwok trong tù để đánh giá liệu anh ta có hợp tác hay không.
Ngay sau khi Kwok bị tạm giữ, hai người đàn ông đã đến gặp vợ anh ta để hỏi xem anh ta có hợp tác với chính quyền hay không. Sau đó, cô ấy nhận được "nhiều cuộc điện thoại đe dọa", cảnh cáo chồng cô, Kwok, không được nói bất cứ điều gì với cảnh sát, cô nói trong một bức thư gửi thẩm phán xét xử vụ án.
Sau đó, sau khi Kwok xuất hiện bên cạnh các nhà thực thi pháp luật, một nhóm bạn tù đã đập đầu anh ta vào tường phòng tắm của nhà tù, khiến anh bất tỉnh. Luật sư của Kwok cho biết, khách hàng của ông đã bị để ý vì có vẻ như đang hợp tác với các nhà điều tra.
Tuy nhiên, Kwok vẫn quyết định mạo hiểm. Anh ta nói với một thẩm phán rằng, anh ta quyết định cung cấp thông tin để được ra tù sớm nhất có thể để chăm sóc vợ và con trai nhỏ.
Hóa ra, Kwok và một trong những thân cận của anh ta đã cung cấp cho FBI danh tính nhà cung cấp của họ ở châu Á - một người đàn ông Canada gốc Hoa, 33 tuổi, có gu thời trang giản dị và tóc rẽ ngôi giữa. Tên ông ta là Tạ Đình Phong.
(Còn nữa)