Cuộc chiến vaccine trong bão dịch
AstraZeneca dự định sẽ thu “lợi nhuận khiêm tốn” với các hợp đồng thương mại cung cấp vaccine Covid-19 mới, thay vì duy trì mô hình phi lợi nhuận như trước đây. Thông báo này của hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển lập tức gây sự chú ý của dư luận, trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu.
Đại diện AstraZeneca cho biết, họ đang dự định chuyển đổi dần, để thu về mức “lợi nhuận khiêm tốn” khi nhận các đơn đặt hàng vaccine mới. Hãng này cho rằng khoản lợi nhuận “hạn chế” từ vaccine trong quý IV/2021, sẽ dùng để bù đắp chi phí liên quan đến hỗn hợp kháng thể, được phát triển để ngăn ngừa và điều trị Covid-19.
Pascal Soriot - Giám đốc điều hành AstraZeneca thông tin, họ đang đưa ra “mức giá phải chăng và theo nhiều cấp độ”, phụ thuộc vào khả năng chi trả của từng quốc gia. Được biết, doanh thu từ vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong quý III/2021 là 1,1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 13 tỷ USD của Pfizer và 4,8 tỷ USD của Moderna.
Trước đó, AstraZeneca đã cam kết bán vaccine với giá gốc trong thời kỳ đại dịch và tính phí khoảng 5 USD một liều. Tuy nhiên, ông Soriot cho rằng: “Mọi người phải chấp nhận rằng Covid-19 đang trở thành bệnh đặc hữu. Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó, đồng nghĩa với khả năng tiêm nhắc lại thường xuyên”, chính vì thế việc cung cấp vaccine với giá quá rẻ sẽ không thể kéo dài.
Tính đến cuối tháng 9, AstraZeneca đã cung cấp hơn 145 triệu liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia thu nhập thấp, và trung bình thông qua cơ chế Covax của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chiếm một nửa nguồn cung của Covax. Con số dự kiến tăng lên 250 triệu liều vào cuối năm nay và cho dù có ý định “nâng giá” thì AstraZeneca vẫn cam kết sẽ cung cấp vaccine cho những nước nghèo nhất với giá gốc.
Trên thực tế, bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19 thì còn có “cuộc chiến” vaccine. Đó là cuộc chạy đua sớm nhất có thể có được loại vaccine WHO công nhận dùng trong tình trạng khẩn cấp. Cùng đó là cuộc cạnh tranh về giá giữa các hãng dược phẩm. Và cuối cùng là việc mở rộng thị trường, khi vaccine của hãng được nhiều quốc gia mua.
Cũng chính từ đó đã dẫn tới sự thiếu hụt vaccine ngừa Covid-19 ở nhiều khu vực trên thế giới, nơi mà những quốc gia ở đó gặp khó khăn gom được số tiền lớn để mua vaccine. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO đã dùng cụm từ “sự mất cân bằng đáng kinh ngạc” trong việc cung cấp vaccine. Ông Tedros cho rằng, không thể chấp nhận được việc các nhà sản xuất chạy theo mức giá cao nhất để cung cấp vaccine áp đảo cho các nước giàu và hiện đang đẩy mạnh các đợt tiêm tăng cường cho chính những người giàu này.
Đáp lại, Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer Inc., cho rằng ông Tedros đang nói một cách “cảm xúc thái quá”, trong khi Pfizer vẫn đang chiến đấu để kiểm soát bí mật công thức vaccine Covid-19 trị giá 36 tỷ USD.
Cũng chính vì lợi nhuận mà các công ty dược phẩm chủ yếu như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson ở thời điểm một năm trước hầu hết đều gửi những liều thuốc của họ đến các nước giàu có hơn là các nước nghèo. Giám đốc điều hành Mordena, ông Stephane Bancel, cho biết công ty mới đây đã mở rộng thị trường cung cấp bên ngoài các quốc gia giàu có. Còn Pfizer, với đối tác BioNTech của Đức, là nhà sản xuất và phân phối nguồn cung lớn nhất của một trong những loại vaccine hiệu quả nhất. Dữ liệu phân phối cũng cho thấy Pfizer là nguồn cung cấp vaccine Covid-19 số 1 cho các quốc gia giàu có nhất. Gần đây, Pfizer cũng đã chuyển hướng cung cấp vaccine cho các nước khác với tốc độ khá nhanh. Đến cuối năm, công ty dự kiến con số đó sẽ đạt 1,1 tỷ liều trong số khoảng 3 tỷ liều được sản xuất.
Đáng chú ý, có một điểm mà Giám đốc điều hành Pfizer không hề lay chuyển, đó là giữ công thức bí mật của vaccine, “bỏ ngoài tai” đề xuất của nhiều quốc gia, dẫn đầu là Ấn Độ và Nam Phi về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị Covid-19. Ông Bourla - người gọi quyền sở hữu trí tuệ là “máu của khu vực kinh doanh tư nhân”, đã thẳng thắn phản đối những lời kêu gọi chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine, mặc dù những người ủng hộ nói rằng, về lý thuyết, điều đó sẽ giúp tạo ra nhiều liều thuốc hơn.
Đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy Pfizer đã dẫn đầu trong cuộc đua vaccine Covid-19 toàn cầu. Công ty này đã có mũi tiêm được phê duyệt sớm hơn mọi đối thủ cạnh tranh và vaccine đang tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao nhất trên toàn thị trường (20 tỷ USD lợi nhuận trước thuế vào năm 2021, bao gồm 50% cổ phần thuộc về BioNTech - theo ước tính của Bloomberg Intelligence).
Một động thái khác cũng được ghi nhận, đó là hiện các hãng dược phẩm lớn bên cạnh việc sản xuất vaccine, thì đã chuyển sang phát triển thuốc điều trị Covid-19. Liệu sau khi thành công, sự phân phối có lặp lại giống như với vaccine? Sự nghi ngờ đó ngày một lớn hơn, nhất là khi nhiều ý kiến cho rằng vaccine cũng như thuốc đều phải hướng tới tính nhân đạo chứ không phải chỉ là lợi nhuận.
Công ty dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết đã ký thỏa thuận cho phép tiếp cận toàn cầu đối với thuốc kháng virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 của hãng này. Theo đó, Pfizer đã ký thỏa thuận cấp phép với Medicines Patent Pool - một công ty do Liên hợp quốc ủng hộ, nhằm cho phép các công ty dược phẩm khác được sản xuất thuốc kháng virus SARS-CoV-2 với tên gọi Paxlovid đang được thử nghiệm của hãng này. Theo thỏa thuận, các công ty sản xuất thuốc gốc (generic) sẽ được phép sản xuất loại thuốc này để sử dụng ở 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tương đương khoảng 53% dân số thế giới. Pfizer cho biết sẽ không nhận phí bản quyền khi các loại thuốc này được bán ở các nước thu nhập thấp cũng như từ bỏ phí bản quyền tại tất cả các nước trong thỏa thuận nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục được coi là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng. Vẫn theo Pfizer, thuốc kháng virus Covid-19 của hãng có thể giảm nguy cơ nhập viện và tử vong tới gần 90% ở những người nhiễm bệnh nhẹ.