Sẵn sàng ứng phó dịch
Hiện, dù các F0 (bệnh nhân Covid-19) vẫn phải cách ly và chữa bệnh tập trung, chỉ có F1 được cách ly tại nhà nên các trạm y tế lưu động cũng chưa thể phát huy hết tác dụng. Song, Hà Nội vẫn yêu cầu các quận, huyện, phường, xã, thị trấn lập các trạm y tế lưu động để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến xấu đi.
Cụ thể, đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng, phê duyệt phương án, kế hoạch triển khai các trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Theo dự kiến, mỗi thôn, xóm, cụm dân cư phải có 1 điểm y tế để kịp thời đáp ứng phòng, chống dịch Covid-19 khi cần, không để bị động, lúng túng trong xử lý tình huống khiến dịch lây lan rộng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, hiện tất cả các F0 vẫn phải cách ly và điều trị tập trung, chỉ có một số trường hợp F1 được phép cách ly ở nhà một cách linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện, TP Hà Nội đang cách ly 7.793 trường hợp là các F1 và người nhập cảnh tại 25 cơ sở cách ly tập trung trên toàn địa bàn thành phố.
Với con số không nhiều F1 cách ly tại nhà như hiện nay thì khi xuất hiện F0 và ổ dịch mới, lực lượng chức năng của Hà Nội hoàn toàn có thể kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lây lan rộng. Song, tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của TP Hà Nội dự kiến trong thời gian tới, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán dịch sẽ phức tạp hơn.
Đó chính là lý do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội giao Sở Y tế, các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương xây dựng “kịch bản” để ứng phó khi có 100 nghìn ca bệnh. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng nhắc nhở các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc, chủ động chuẩn bị thật tốt cho tình huống này, hoặc tình hình dịch xấu hơn.
Nếu như “kịch bản” đó thực sự xảy ra, chắc chắn Hà Nội sẽ phải nghĩ đến phương án cho cách ly và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà, bởi hạ tầng y tế lúc đó sẽ khó mà kham nổi số lượng lớn bệnh nhân như vậy. Khi đó, các trạm y tế lưu động sẽ “có đất dụng võ”, phát huy hết tác dụng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người dân.
Dù vẫn chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, kế hoạch cho tình huống xấu nhất, nhưng không vì thế mà TP Hà Nội trở nên co cụm, không dám làm gì. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị phương án cho học sinh sớm trở lại trường chứ không cần phải chờ đợi đến khi tiêm xong vaccine, trước mắt sẽ bố trí cho học sinh các khối cuối cấp.
Vậy là TP Hà Nội đã và đang thực hiện đúng chủ trương thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Một mặt tiến hành triển khai các công việc cấp bách, cần thiết để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, một mặt vẫn chủ động các phương án để kịp thời phản ứng tức thì với tình hình khi phát sinh các ổ dịch phức tạp ngoài cộng đồng.
Dư luận đánh giá cao tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới của TP Hà Nội. Song, vấn đề ở chỗ các chủ trương ấy có thực sự được hiện thực hóa để đi vào thực tiễn cuộc sống không là vấn đề người dân quan tâm.
Mong rằng, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã... sẽ nghiêm chỉnh thực thi yêu cầu của cấp trên, để Hà Nội sẽ không phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn như TP Hồ Chí Minh thời gian qua. Bởi lẽ, chỉ có chủ động thích ứng an toàn, luôn sẵn sàng tinh thần chống dịch trong bất cứ hoàn cảnh nào mới không bị “thất thủ”.