Bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa
Trước khi Covid-19 bùng phát, theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch (bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ…) là nguyên nhân gây tử vong số 1 toàn cầu. Đáng lưu ý, sau khi Covid-19 hoành hành thì số liệu từ WHO vẫn cho thấy, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vẫn là bệnh tim mạch.
Báo động số lượng người mắc bệnh tim mạch
Theo WHO, mỗi năm có tới 17,5 triệu người tử vong vì các bệnh tim mạch - có thể hình dung, số ca tử vong vì các bệnh liên quan tới tim mạch cao gấp 4 lần tổng số ca tử vong do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Đáng lo ngại hơn, bệnh tim mạch đang có nguy cơ trẻ hóa, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam cho thấy, các bệnh lý về tim mạch đã cướp đi khoảng 200.000 sinh mạng người mỗi năm và cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều ở mức báo động.
Đưa ra ví dụ về tình trạng bệnh tim mạch đang dần trẻ hóa, BS Đỗ Văn Chiến, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Bệnh xơ vữa động mạch vành - một trong những bệnh liên quan tới tim mạch - là bệnh hiếm gặp ở người trẻ, đặc biệt là nam giới. Tại Hoa Kỳ, nam giới ngoài 65 tuổi được coi là lứa tuổi bắt đầu có nhồi máu cơ tim. Những bệnh nhân nam mắc nhồi máu cơ tim ở tuổi 45 trở xuống được coi là trẻ và dưới 35 tuổi được coi là rất trẻ. Một số khái niệm cho rằng xơ vữa động mạch, đặc biệt là động mạch vành là bệnh của người già giờ đây đã không còn được chính xác nữa. Thế giới đang chứng kiến sự trẻ hóa nhanh chóng của bệnh xơ vữa động mạch. Có đến 4-10% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có tuổi đời dưới 45 tuổi và phần lớn là nam giới đang khỏe mạnh. Vì vậy, khái niệm xơ vữa động mạch vành là tuổi của các “ông già” cần phải được xem xét lại”.
Còn BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội - Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Việt Đức cũng thông tin, bệnh viện đã từng cấp cứu ngay trong đêm cho một nam thanh niên (34 tuổi, ở Thái Nguyên) được chuyển từ tuyến dưới lên vì bị phình, tách động mạch chủ týp A trên nền bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Thế nhưng, bệnh nhân không biết mình mắc những bệnh này. Người nhà bệnh nhân cho biết, nam thanh niên hay hút thuốc lá, uống bia rượu, nặng gần 100kg và cao 1,7m.
Chuyên gia y tế cũng cho hay, tình trạng người trẻ tuổi mắc cao huyết áp ngày càng được ghi nhận nhiều hơn, không ít trường hợp được xác định mắc bệnh mới khoảng chừng 30 tuổi.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh
“95% tăng huyết áp không có nguyên nhân, thường tập trung ở nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi. Còn lại 5% tăng huyết áp có nguyên nhân thường tập trung ở nhóm người trẻ. Nguyên nhân gây tăng huyết áp thường do bệnh lý về thận, như: Suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân tăng huyết áp còn do có rối loạn chuyển hoá, cường tuyến giáp, cường tuyến yên, cường tuyến thượng thận… và do hút thuốc, béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai” - BS Bình nói.
Nguyên nhân chính gây ra trẻ hóa bệnh tim mạch, theo BS Đỗ Văn Chiến là do liên quan nhiều đến lối sống và các yếu tố nguy cơ mà chúng ta có thể thay đổi được như ăn quá mặn, ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn uống dư thừa gây tăng cân béo phì; lạm dụng rượu bia - hút thuốc lá, ít vận động hoặc không vận động thể lực và stress do áp lực của công việc. Hiện các bệnh ảnh hưởng tới tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… đang gia tăng trong cộng đồng. Các bệnh này gây tử vong cao và để lại di chứng nặng nề.
Một trái tim khỏe mạnh là điều kiện tất yếu giúp chúng ta có thể có được một cuộc sống có chất lượng cao và đảm bảo được những hoạt động sống cần thiết. Chính vì vậy, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, khoa học, giữ huyết áp ổn định giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng bệnh tim mạch tốt hơn.
Để phòng tránh bệnh tim mạch, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã đưa ra 10 lời khuyên sau đây: Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn; Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên; Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác;
Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên; Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả;
Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng, chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn; Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở; Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc;
Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh; Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).