Người cán bộ Mặt trận ‘nhiều vai’

HẠNH NGUYÊN 22/11/2021 09:30

Không chỉ giữ 4 chức danh ở thôn và xã, ông Trần Nam Giang (44 tuổi) ở thôn 10, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh còn là chủ mô hình chăn nuôi lợn rừng nổi tiếng.

“Ra khỏi nhà anh ấy lịch thiệp, trang nhã nhưng khi về nhà thì đầu tắt mặt tối bên đàn lợn. Không khi nào thấy anh ấy ngơi việc” - một người dân thôn 10, xã Sơn Trường nói về ông Giang.

Khi bước vào tuổi 23 (năm 2000), ông Giang đã là Bí thư chi đoàn thôn 10. Đến năm 2006, ông Giang được người dân trong thôn 10 tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Sau 2 nhiệm kỳ gắn bó với chức danh này, năm 2011, ông Giang tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Sơn Trường.

Từ 2019 đến nay, một mình ông Giang gánh “4 vai” - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 10, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Trường. Thôn 10, xã Sơn Trường đăng ký xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu vì thế công việc của Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Trần Nam Giang lúc nào cũng bận rộn.

Thôn 10 giờ đây được mệnh danh là “phố trên núi” khi 100% đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa rộng thênh thang với hệ thống thoát nước, hàng rào xanh đồng bộ. Những mô hình kinh tế hiệu quả đã và đang giúp người dân trở nên giàu có, thôn trở thành nơi đáng sống bậc nhất ở vùng biên viễn Hương Sơn.

Theo ông Giang, năm 2021, thôn 10 phải hoàn thành khối công việc khổng lồ mới về đích khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Cả thôn đã hiến hơn 15.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, 1.225 cây trong vườn, mở rộng đường từ 2-3m lên hơn 5m, riêng đoạn đường liên thôn rộng hơn 9m. Trong đó, có những hộ tiêu biểu như Lê Văn Hiệu hiến hơn 1.000 m2, hộ ông Trần Văn Sự hiến hơn 250 m2 đất và hơn 100 cây trong vườn…

Để thực hiện tiêu chí vườn mẫu, ông Giang cùng Ban phát triển thôn đến từng hộ, “cầm tay chỉ việc”, vận động nhân dân triển khai xây dựng vườn mẫu. Đến nay, toàn thôn có 30 mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất theo chuẩn VietGAP với diện tích 32ha. Người dân trong thôn đang tập trung phát triển cây nhân trần làm dược liệu, với diện tích 9ha.

Rác thải là một trong những vấn đề nan giải ở nông thôn. Thế nhưng, ở thôn 10, tiêu chí này lại là điểm cộng của địa phương. Thôn 10 còn đi đầu trong xử lý rác thải nông thôn. Tại đây, 100% hộ dân thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Thôn đầu tư thêm vật liệu thuê nhân công đổ ống bi để xử lý nước thải sinh hoạt, đủ đáp ứng nhu cầu cho 90% số hộ trong thôn.

Không chỉ làm tròn vai trong 4 chức danh ở thôn và xã, ông Giang còn gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi mô hình kinh tế và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ dân trong thôn cùng vươn lên làm giàu.

Từ chỗ mày mò nuôi hươu theo truyền thống địa phương, năm 2014, ông Giang bắt đầu chuyển sang nuôi lợn rừng. Hiện tại, trang trại hơn 3ha của ông đang thả nuôi 200 con, trong đó có 20 con lợn nái. Hệ thống chuồng trại của ông Giang chiếm khoảng 1.500 m2, bãi thả khoảng 1.000 m2, còn lại để trồng cây dược liệu như sâm, hoàn ngọc, chè khổng lồ, chè cỏ, chè xanh… và thả nuôi giun quế để cho lợn ăn.

Ông Giang không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp giống cho các hộ gia đình trong thôn, xã và phối hợp thành lập tổ hợp tác phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng. Hiện nay, ông Giang đã thành lập tổ hợp tác với 6 thành viên liên kết, hỗ trợ nhau chăn nuôi. Ông Giang cũng đầu tư nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị để sản xuất các sản phẩm từ thịt lợn rừng như thịt lợn rừng sấy khô, thịt lợn rừng tươi hút chân không… để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Trần Nam Giang là một cán bộ gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, ông nói được, làm được. Ông là tấm gương sáng, một cán bộ của dân, do dân, vì dân” - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hương Sơn Uông Xuân Đức nói.

HẠNH NGUYÊN