‘Tín dụng đen’ nở rộ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Lợi dụng điều này, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tìm mọi cách đưa người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vào “bẫy tín dụng đen”.
“Tín dụng đen” ngày càng phức tạp hơn
Chị N.T.T.L. (Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội) cho biết, trước dịch hai vợ chồng dồn 2 tỷ đồng để đầu tư mở cơ sở giáo dục mầm non. Cả năm qua dịch diễn biến phức tạp, cơ sở không được mở mà vẫn phải đóng tiền thuê nhà. Tháng 6 vừa rồi, anh chị cụt vốn phải đi vay ngoài, mỗi ngày trả gần 500.000 đồng tiền lãi. “Nếu không trụ được qua tết, vợ chồng tôi chỉ còn tính nước bán căn nhà để trả nợ”! – chị N.T.T.L. nói.
Chị T.H. (Đình Thôn – Mỹ Đình – Hà Nội) kể, cả nhà 4 thành viên làm nghề tự do, nên rất khó làm thủ tục vay ngân hàng. Bởi vậy, khi muốn kinh doanh, chị đã đánh liều tìm đến một trang web vay online. Trước thời điểm có dịch Covid-19, việc kinh doanh thuận lợi, mỗi ngày kiếm được tiền triệu nên việc trả lãi cũng không khó khăn gì. Thế nhưng, khi có dịch Covid -19, hàng quán để không, không kiếm đủ tiền trả lãi mỗi ngày. Sau 6 tháng từ khoản nợ 500 triệu đồng, giờ bị tính lãi lên đến 740 triệu đồng.
“Mỗi ngày, cứ mở mắt ra nghĩ đến khoản tiền nợ là tôi như ngồi trên đống lửa. Chả biết tình hình này kéo dài đến bao giờ” – chị H buồn bã.
Cũng giống như chị L., chị H., nhiều người lỡ rơi vào bẫy “tín dụng đen” đã phải tán gia bại sản vì khoản lãi khổng lồ được cộng dồn mỗi ngày. Có trường hợp một số đối tượng cho vay với lãi suất 100%/năm, thậm chí có nơi còn lên tới 300%/năm.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng.
Theo Trung tá Phương, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua đã đẩy nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, càng làm cho tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn”.
Thí điểm bằng các quỹ
Theo Ngân hàng Nhà nước, một trong những giải pháp để giảm “tín dụng đen” là các Tổ chức tín dụng cần ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid -19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn; giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay…
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng hệ quả của vay “tín dụng đen” có thể khiến người đi vay rơi vào cảnh khốn cùng nếu không trả được nợ. Lãi suất “tín dụng đen” cạnh tranh không lành mạnh có thể làm rối loạn thị trường tài chính.
TS Đinh Thế Hiển cho biết: Tại nhiều nước trên thế giới, các giải pháp tài chính vi mô rất được quan tâm, chú trọng. Thực tế tại Việt Nam hiện cũng có các tổ chức tài chính vi mô, tuy nhiên, các tổ chức này vẫn bị hạn chế bởi tính hành chính. Theo tôi, Nhà nước nên thí điểm cho phép công ty phi lợi nhuận trong lĩnh vực tín dụng vi mô, các quỹ tín dụng “từ thiện” hoạt động giống mô hình ở nước ngoài.
Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” tồn tại ở nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân vẫn còn tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng vì cho rằng sẽ gặp nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp. Nhu cầu của người dân là vay tiền nhanh, thời hạn ngắn, thủ tục nhanh gọn và không muốn thế chấp tài sản… chính vì vậy những hoạt động “tín dụng đen” lại càng nở rộ.