Còn nhiều việc phải làm với văn hóa học đường

Vi Cầm 22/11/2021 08:00

Sáng 21/11, hàng trăm đại biểu đã cùng tham gia thảo luận tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức.

Câu chuyện văn hóa học đường đã được nhắc tới nhiều thời gian qua, nhưng việc tổ chức một hội thảo (trực tuyến) tầm cỡ, quy tụ sự tham gia của khoảng 50 đại biểu tham dự ở điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối qua zoom với khoảng 300 đại biểu; hơn 200 thảo luận từ các đại biểu trong và ngoài nước… đã chứng tỏ nội dung bàn luận này luôn nhận được sự quan tâm của xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, văn hóa học đường là vấn đề vừa nóng, vừa sâu xa để hướng tới chất lượng, giá trị, đẳng cấp của trường học; qua đó phát triển giá trị con người trong mỗi học sinh.

Những thảo luận tại hội thảo đã lưu ý, khơi gợi, phân tích nhiều nội dung với góc nhìn đa chiều, đa dạng, qua đó cho thấy sự quan tâm, lo lắng đến nhiều vấn đề của giáo dục, với mong muốn trường học ngày càng tốt đẹp, học sinh được phát triển, hướng tới ngôi trường hạnh phúc. Ghi nhận những đóng góp ấy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tiếp thu, tiếp nhận đầy đủ các ý kiến, kể cả các ý kiến còn khác biệt, trái chiều; đồng thời sẽ bàn thảo, lấy ý kiến thêm để hình thành chính sách, chỉ đạo thực thi.

Với mong muốn góp thêm một góc nhìn, ông Sơn cho rằng, văn hóa học đường là bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố có liên quan; nhưng cốt lõi là hệ thống các chuẩn và hệ các giá trị, trong đó bao gồm bộ quy tắc ứng xử cả hoạt động dạy và học, các quan hệ ứng xử. Khi những điều đó đạt tới chuẩn mực và các giá trị được xác định thì lúc đó đạt tới giá trị của văn hóa. Văn hóa học đường không phải từ bên ngoài đặt vào trong trường học, mà chính là những gì đang diễn ra tại các nhà trường, đang được sử dụng để vận hành nhà trường - khi đạt tới chuẩn và đạt tới các giá trị thì đó là văn hóa học đường.

Để tạo nên giá trị văn hóa học đường, ông Sơn cũng nhấn mạnh, nhân tố hệ trọng và trung tâm chính là người thầy. Khi làm chính sách, đây là khâu đặc biệt quan trọng, có tính chất hạt nhân, cốt lõi để triển khai các phương diện về văn hóa học đường. Điều cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt để triển khai được văn hóa học đường là làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học sẵn sàng tinh thần thực thi pháp luật và sự tuân thủ nguyên tắc. Khi xây dựng pháp luật và thiết kế các nguyên tắc, trong đó đã bao hàm các yếu tố về phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống, văn hóa, truyền thống… Với một giá trị rộng lớn như văn hóa nếu không tìm chỗ dựa để triển khai sẽ rất khó.

Trên thực tế, văn hoá học đường là một môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp, vấn đề xây dựng văn hoá học đường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng trường học.

Thời gian qua, vấn nạn lệch lạc trong ứng xử học đường khiến dư luận, đặc biệt là phụ huynh cảm thấy bất an. Tình trạng học sinh đánh nhau, hành hung, đe dọa bạn học… không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, không chỉ học sinh nam đánh nhau, mà học sinh nữ cũng ẩu đả lẫn nhau. Lo ngại hơn là sau đánh bạn, học sinh còn quay clip tung lên mạng như khoe chiến tích. Rồi còn nữa là ứng xử lệch chuẩn giữa thầy và trò hoặc ngược lại. Học trực tuyến cũng phát sinh những lệch lạc trong ứng xử, trong xử lý tình huống…

“Văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của phần văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường, nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả” - Bộ trưởng Sơn nói.

Vi Cầm