Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên chợ mạng: Quản bằng cách nào?
Trong khi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường vẫn còn là vấn đề nhức nhối thì dịch Covid-19 như chất xúc tác khiến tình trạng này bùng nổ một cách vô tội vạ trên chợ mạng.
Quần áo, nước hoa, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… được làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều được quảng cáo, rao bán công khai với giá “hạt dẻ” trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay các trang mạng xã hội trên facebook, zalo…
Tiện lợi nhưng tiềm ẩn rủi ro
Dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì mua hàng trực tiếp, người dân chuyển hướng mua sắm online, thậm chí có không ít người “nghiện” hình thức mua sắm này.
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hàng hóa được rao bán ngày một phong phú, đa dạng, phục vụ khách hàng tới tận cửa nhà. Không phủ nhận tiện ích của chợ mạng nhưng nơi đây lại đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán trà trộn với hàng thật.
Khảo sát tại một số sàn thương mại điện tử có tiếng tại Việt Nam hiện nay, các loại hàng hóa từ nước hoa, mỹ phẩm, quần áo… được rao bán tràn ngập như ma trận, không ít sản phẩm được bán với giá rẻ không tưởng.
Dạo qua một vòng trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhiều sản phẩm nước hoa thuộc thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Dior, YSL, Boss, Le Labo được chào bán với giá rẻ không tưởng chỉ từ vài chục nghìn đến hơn 500.000 đồng/chai với dung tích 50 ml, trong khi đó những sản phẩm này nếu là hàng chính hãng được bán với giá tiền triệu.
Không chỉ có nước hoa, mỹ phẩm, quần áo…, nhiều đối tượng còn bất chấp sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bán các loại thực phẩm chức năng được làm nhái các sản phẩm có tiếng.
Mẹ chồng chị Nguyễn Ngọc Nga (phố Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội) bị cao huyết áp. Do bạn bè chỉ dẫn, 2 năm nay chị Nga thường xuyên mua sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn của Hàn Quốc trên một trang mạng facebook với giá 1.200.000 đồng/hộp cho mẹ chị sử dụng.
Tuy nhiên, cách đây ít ngày chị Nga tá hỏa khi biết sản phẩm của chị mua là hàng giả. Bởi, theo một cửa hàng có tiếng chuyên bán hàng Hàn Quốc xách tay tại Hà Nội thì sản phẩm này chính hãng bán không dưới 1.900.000 đồng/hộp. “Tôi rất bất ngờ và bức xúc khi 2 năm nay mình là chất xúc tác tiếp tay cho việc mua bán hàng giả. May mà sức khỏe mẹ tôi vẫn ổn, nếu không tôi rất ân hận”, chị Ngọc nói.
Kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh hàng Hàn Quốc, chị Nguyễn Diệu Thùy, chủ cửa hàng chuyên bán đồ xách tay Hàn Quốc trên phố Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, rất nhiều khách hàng của chị khi đến mua hàng đều ngạc nhiên với giá cả của cửa hàng bởi các sản phẩm của chị bán hầu hết đều có giá cao hơn những sản phẩm bán trôi nổi trên mạng.
Theo chị Thùy, hiện nay, thực phẩm chức năng Hàn Quốc được làm giả rất nhiều, giá thành lại rẻ nhưng lại được quảng cáo như hàng thật, chính hãng khiến nhiều người tiêu dùng tin tưởng mua hàng, trong đó có không ít người tiền mất, tật mang.
Quản cũng không suể
Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày một lan mạnh từ thị trường truyền thống sang chợ mạng, trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Theo Sách trắng của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2021, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Trong đó, trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.
Thời gian qua, nhiều vụ việc bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng qua hình thức bán hàng online đã được lực lượng chức năng triệt phá. Đơn cử như vụ việc tại Lào Cai được Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) triệt phá hồi tháng 7/2020. Đối tượng kinh doanh thương mại điện tử bán lẻ bằng hình thức online trên mạng xã hội facebook, tổng số sản phẩm tạm giữ là hơn 158.000 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website, các sàn giao dịch thương mại điện tử thương mại điện tử và mạng xã hội... đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Tính đến tháng 10/2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.
Nhìn nhận thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, nhưng theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đây lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong khoảng 2-3 năm tới, tỉ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Từng giải quyết nhiều vụ việc liên quan tới sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, luật sư Phạm Quốc Thanh, Văn phòng Luật sư Quốc Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo chế tài xử phạt đối với việc sản xuất lương thực, thực phẩm, các sản phẩm y tế không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… có thể bị phạt tù lên tới 10 đến 20 năm, thậm chí chung thân. Trong khi đó, 30% cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp phép đều sản xuất sản phẩm không chuẩn, song vì lợi nhuận cao, nhiều người vẫn hám lợi mà bất chấp làm sai quy định.
Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, luật sư Thanh khuyến cáo, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, tìm mua sản phẩm đúng hãng, được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Chính phủ, ban hàng ngày 26/8/2020, những trường hợp cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với cá nhân vi phạm. Tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Các quy định mới với mức chế tài cao hơn được kỳ vọng chấn chỉnh tình trạng bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tình trạng này không những giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát.