Nam Định: Bắt đầu ‘làm lại’ bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang
Sau 16 năm đầu tư, xây dựng dang dở, công trình y tế trọng điểm của tỉnh Nam Định chuẩn bị được tái kiến thiết…
Sáng 22/11, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Lễ ký kết hợp đồng thi công công trình đầu tiên thuộc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh…
Chuyển bệnh viện vùng sang bệnh viện tỉnh
Thông tin tại buổi lễ, ông Đinh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình tỉnh Nam Định cho biết, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định trước đây là Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định, được khởi công xây dựng năm 2006 (15 năm trước) với mục tiêu đầu tư là Bệnh viện đa khoa cấp vùng, phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận.
Dự án sau đó đã hoàn thành cơ bản phần kết cấu các công trình chính. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ năm 2012 dự án tạm dừng thực hiện, khiến phần kết cấu các công trình chính đã xây dựng bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Theo Trưởng Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình tỉnh Nam Định, đến năm 2019, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh. Theo đó, dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định từ bệnh viện trung tâm vùng được điều chỉnh thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định (tại Văn bản số 842/TTg-KGVX ngày 12/7/2019).
Sau các bước rà soát, đánh giá khối lượng hoàn thành, kiểm định chất lượng công trình cũ, quyết toán khối lượng công việc hoàn thành; thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án mới (trên cơ sở điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định cũ), ngày 1/9/2020, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (mới) được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt.
Gần 1500 tỷ đồng cho một bệnh viện hiện đại, tích hợp
Theo đó, dự án do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh trực tiếp quản lý, Công ty CP tư vấn và thiết kế kiến trúc Việt Nam tư vấn thiết kế.
Dự án được xây dựng trên diện tích 9,25 ha đất, thuộc khu đô thị Mỹ Trung; tổng mức đầu tư 1.467,3 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương đã thực hiện là 261,995 tỷ đồng, phần còn lại là vốn ngân sách tỉnh); thời gian thực hiện đến hết năm 2025.
Khối công trình chính gồm 5 tòa nhà, được thiết kế hợp khối, liên kết, bao gồm: Nhà số 1 cao 8 tầng (khoa cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và hành chính); Nhà số 2 cao 10 tầng (khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm và các khoa nội trú); Nhà số 3 cao 11 tầng (khoa khám và điều trị ngoại trú và các khoa nội trú); Nhà số 4 cao 4 tầng (khoa truyền nhiễm); Nhà số 5 cao 1 tầng (Nhà đại thể).
Diện tích xây dựng chiếm đất khoảng 18.193 m2, tổng diện tích sàn xây dựng trong khối khoảng 73.578 m2. Các khoa phòng thiết kế theo hướng bệnh viện hiện đại, tiện ích phù hợp thực tế nhu cầu sử dụng, công nghệ tiến tiến của y học hiện tại.
Cũng theo ông Phương, kế hoạch thực hiện dự án gồm: năm 2021 khởi công xây dựng công trình Nhà số 1 (Khoa cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và hành chính). Quý II năm 2022 phấn đấu khởi công tất cả các hạng mục công trình còn lại của dự án, bao gồm xây lắp và lắp đặt thiết bị y tế chuyên dụng gắn với công trình. Hoàn thành công trình và bàn giao cho đơn vị sử dụng trong năm 2025.
Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Nam Định, Trưởng Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình tỉnh Nam Định Đinh Văn Phương và đại diện Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký kết hợp đồng xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình Nhà số 1 (Khoa cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và hành chính), một trong 5 tòa nhà thuộc cả khối công trình dự án, trị giá hợp đồng 299 tỷ đồng.
“Công trình do liên danh Công ty CP BC&D và công ty CP đầu tư và xây dựng PACIE tư vấn giám sát. Thời gian thực hiện hợp đồng là 625 ngày, từ 5/12/2021 đến 31/8/2023. Ngày 28/11 tới chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng thi công”, ông Phương cho biết thêm.
Nguyên nhân chậm trễ?
Lý giải nguyên nhân từ năm 2019, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh nhưng sau đó có sự chậm trễ trong triển khai, kéo dài thêm số năm dự án bị đình trệ lên tới 16 năm, Trưởng Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình tỉnh Nam Định cho hay: “Đây là dự án đã được triển khai xây dựng từ nhiều năm, được thay đổi mục đích sử dụng từ bệnh viện cấp vùng sang bệnh viện tỉnh nên phải thiết kế điều chỉnh công năng phù hợp nhu cầu sử dụng và tuân thủ theo chế độ chính sách, pháp luật đầu tư xây dựng thời điểm hiện tại, do đó công tác thiết kế, thẩm định chuẩn bị đầu tư gặp khó khăn kéo dài”.
Nhìn nhận dự án đầu tư trên có ý nghĩa quan trọng, được cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân trong tỉnh thường xuyên quan tâm, theo dõi, phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công tập trung nguồn vốn, nhân lực, trang thiết bị, vật tư; áp dụng công nghệ kỹ thuật, khẩn trương tổ chức thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, vệ sinh môi trường và an toàn lao động.
Ông cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương chuẩn bị để triển khai đầu tư các công trình còn lại thuộc dự án. Đồng thời yêu cầu Sở Y tế; Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh trong quá trình thi công, hoàn thiện công trình, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề bất cập phát sinh…
Như vậy, với những thông tin trên, sau thời điểm tháng 8/2023, thời điểm công trình Nhà số 1 (Khoa cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và hành chính) hoàn thành thi công, lắp đặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định hiện đang nằm trong nội thành TP Nam Định đã có thể được chuyển một phần hoạt động ra cơ sở mới nằm ven Quốc lộ 10 và sau năm 2025 sẽ được chuyển toàn bộ.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã nhiều lần phản ánh, việc trên địa bàn tỉnh Nam Định tồn tại một công trình y tế trọng điểm nhưng đầu tư dở dang, kéo dài trong nhiều năm, nhiều khóa chính quyền, gây lãng phí nhiều mặt khiến dư luận trong các tầng lớp nhân dân ở địa phương bất bình, báo chí “tốn” nhiều giấy mực…