Chùa Trúc Lâm đảo Trần - Cột mốc tâm linh vùng Đông Bắc của Tổ quốc
Theo Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam thị xã Quảng Yên kiêm Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam huyện Cô Tô, chùa Trúc Lâm đảo Trần (Cô Tô) sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2022.
Chùa Trúc Lâm đảo Trần (Cô Tô) được quy hoạch xây dựng có diện tích gần 4 ha, gồm các phân khu chức năng như Chánh điện thờ Phật, Tổ đường thờ Trúc Lâm Tam Tổ, đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và các bộ tướng thời Trần, nhà Tăng, nhà khách, cổng Tam quan và các công trình phụ trợ khác...
Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống mang nét văn hóa của miền Bắc, sử dụng kết cấu bằng gỗ lim, lợp ngói gạch truyền thống, với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Chùa Trúc lâm Cô Tô đảo Trần do Thượng toạ Thích Thanh Lịch trụ trì và kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá để xây dựng.
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, cách đường phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên vịnh Bắc bộ chưa đầy 10 hải lý. Đảo có diện tích khoảng 4,5 km2 với 16 hộ dân, 50 nhân khẩu (ngoài các đơn vị quân đội đóng quân). Việc xây dựng một ngôi chùa trên đảo Trần không chỉ là điểm tựa tâm linh, đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng toạ Thích Thanh Lịch cho biết, để phục vụ cho công tác thi công dự án, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cùng với chính quyền các cấp đã xây dựng phương án triển khai thi công công trình, chuẩn bị mặt bằng và làm đường giao thông. Dự kiến Lễ phạt mộc sẽ được triển khai trong đất liền vào ngày 1/11 năm Tân Sửu, đúng vào dịp lễ giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Theo kế hoạch, công trình sẽ được chính thức động thổ, khởi công xây dựng trên đảo vào đầu năm 2022 và sẽ thi công trong thời gian 3 năm.
“Do khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn, nên toàn bộ các công trình được làm bằng đá và gỗ để không bị hư hỏng do nước biển. Phần lớn các hạng mục được chế tác trong đất liền và vận chuyển bằng tàu thuỷ ra đảo. Tôi muốn rằng mai này ngôi chùa được xây dựng xong, có thể đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của quân và dân, để họ yên tâm công tác và sinh sống, cũng như ngư dân các nơi ghé qua tránh bão có thể về lễ Phật cầu bình an. Đây là công trình hết sức có ý nghĩa chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX”, Thượng toạ Thích Thanh Lịch chia sẻ.