Sự trỗi dậy của một 'đế chế ma túy' - Kỳ 2: Ông trùm sa lưới
Ở kỳ trước, chúng ta đã được biết đến một phần về vai trò của Tạ Đình Phong trong đường dây buôn bán chất ma túy tổng hợp lớn nhất châu Á. Vậy Tạ Đình Phong là ai? Anh ta đã làm thế nào để phát triển mạng lưới tội phạm của mình ngay cả khi ngồi tù?
"Chân dung" ông trùm
Tạ Đình Phong sinh ngày 25/10/1963, tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Sau biến động của Cách mạng Văn hóa và sự tan rã của Hồng vệ binh, một số thanh niên đã thành lập một băng nhóm được gọi là Big Circle Boys. Nhóm tội phạm này chính là tổ chức mà Tạ Đình Phong đã tham gia.
Đến những năm 1990, Big Circle Boys là những đại ca trong buôn bán bạch phiến ở Tam giác vàng - Bắc Mỹ.
Quyết định hợp tác kinh doanh với băng đảng mafia Sicily của tổ chức ma túy của Tạ Đình Phong đã gây ấn tượng với đặc vụ Calnan. Ông nhận thấy rằng, hầu hết các băng nhóm châu Á ở Mỹ không tham gia quan hệ đối tác như vậy. Tạ Đình Phong tiếp cận công việc buôn bán ma túy của mình như một doanh nghiệp, tìm thấy giá trị trong các mối quan hệ đối tác mới nhưng đủ thông minh để cố gắng giữ mọi việc trong tầm kiểm soát.
"Anh ta sử dụng sự hợp tác và vượt qua bên ngoài biên giới. Anh ta có tầm nhìn không giới hạn và chúng tôi phải làm điều tương tự, nếu không chúng tôi sẽ không bao giờ bắt được anh ta. Chúng tôi phải giỏi như Tạ Đình Phong", Calnan nói.
Sau vụ bắt giữ năm 1995 của Kwok và Gong, Calnan và Chuyên án Sunblock phải mất gần 3 năm nữa mới tóm gọn được Tạ Đình Phong, vì anh ta thường trú tại Trung Quốc đại lục, quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
FBI dường như không có lựa chọn nào cho đến năm 1998, khi đồng nghiệp người Canada của Calnan nhận được tin rằng, Tạ Đình Phong đang đi du lịch đến Hồng Kông. Nếu cảnh sát bắt anh ta ở thành phố bán tự trị của Trung Quốc, nơi đã có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, Tạ Đình Phong có khả năng bị đưa đến New York hầu tòa.
Đặc vụ Calnan thuyết phục FBI đưa anh và đặc vụ người Canada đến Hồng Kông để hỗ trợ vụ bắt giữ. Vào ngày 12/8/1995, Sở Cảnh sát Hồng Kông đã bắt được Tạ Đình Phong tại một quán ăn địa phương. Trong vòng vài tháng sau, anh ta đã bị dẫn độ về Mỹ.
Ceci Scott, công tố viên tiếp nhận vụ án kể lại rằng, sau khi Tạ Đình Phong đến Mỹ, luật sư của anh ta có vẻ háo hức đạt được thỏa thuận nhận tội. Calnan tin rằng, Tạ Đình Phong đang làm mọi cách để nhanh chóng đến được Canada, nơi vợ cùng hai đứa con (một con gái và một con trai mắc bệnh phổi và khó thở từ khi mới sinh) của anh ta đang sống.
Dù Tạ Đình Phong muốn hợp tác đủ để được giảm án, anh ta không sẵn sàng tiết lộ tất cả. “Tôi nghĩ anh ta biết rằng chúng tôi biết anh ta không nói với chúng tôi mọi thứ”, công tố viên Scott nói.
Theo Scot, cuối cùng, Tạ Đình Phong đã đạt được thỏa thuận với các công tố viên rằng, anh ta nhận tội âm mưu nhập heroin vào Mỹ. Việc tránh một phiên tòa cho phép Tạ Đình Phong cắt giảm thời gian ngồi tù và hạn chế lượng thông tin tồn tại trong hồ sơ công khai. Ngày nay, mức độ chính xác về vai trò của anh ta trong tổ chức buôn bán heroin vẫn còn là một bí ẩn.
"Chúng tôi không biết anh ta đã cung cấp bao nhiêu heroin cho Gong và Kwok, cũng như không biết liệu Kwok có phải là khách hàng duy nhất của anh ta hay không".
Chương mới trong quá trình phạm tội
Bản án 9 năm tù của Tạ Đình Phong được tuyên vào ngày 26/9/2000, mặc dù cuối cùng anh ta chỉ phải thụ án 6 năm. Nhà tù đã đánh dấu sự khởi đầu của chương thứ hai trong cuộc đời Tạ Đình Phong, giúp anh ta có cơ hội học hỏi từ những kẻ buôn bán ma túy ở Mỹ.
Đó cũng là nơi, được cho là, Tạ Đình Phong đã gặp người bạn đời tiếp theo của mình.
Đi qua những cánh rừng xanh tươi của vùng nông thôn Appalachia là Viện Cải huấn Liên bang Elkton, nằm trên bang Ohio, nơi Tạ Đình Phong bị giam giữ, còng tay, cùm chân và xích ngang người.
Elkton là một nhà tù liên bang có an ninh kém. Nó nằm trên đỉnh đồi và có hàng rào bằng dây thép gai để ngăn các tù nhân lẩn trốn vào rừng thông xung quanh. Nhưng bên trong, các biện pháp phòng ngừa an ninh không đủ nghiêm ngặt, các cựu tù nhân và nhân viên cho biết. Hầu hết những người bị giam giữ ở đấy đều là những người phạm tội không liên quan đến bạo lực hoặc những người sắp mãn hạn tù, chuẩn bị hòa nhập xã hội.
"Đó là một môi trường khác với nhiều nhà tù mà tôi đã từng ở", Charles King, một cựu tù nhân được chuyển đến Elkton năm 2006, năm Tạ Đình Phong rời nhà tù liên bang, cho biết. "Đó là vòng tay rộng mở hơn, những quan hệ ấm áp hơn".
King và những người khác cho biết, nhà tù giống như một khuôn viên đại học an toàn. Các tù nhân sống trong một số tòa nhà kiểu ký túc xá sàn bê tông với phòng tắm chung và không gian chung. Ba hoặc bốn phạm nhân ngủ trong những căn phòng nhỏ chật chội được ngăn cách bởi những bức tường bằng đá cuội cao từ bốn đến năm feet, đủ để dễ dàng nhìn thấy từ phía trên.
Đến năm 2002, hai năm sau khi bị kết án và tuyên án, Tạ Đình Phong tuyên bố gần như không có một xu dính túi và yêu cầu được miễn các khoản phí pháp lý để nộp đơn kháng cáo hoặc giảm nhẹ bản án. Anh ta cho biết trong hồ sơ tòa án, tất cả những gì anh ta sở hữu là quần áo trị giá 500 đô la và 1.000 đô la do bạn bè và gia đình gửi cho anh ta, mặc dù có thể anh ta đã không khai báo về tài sản bên ngoài nước Mỹ.
Nhà tù có thể là nơi Tạ Đình Phong tự điều chỉnh chính mình, nhưng nếu anh ta gặp rắc rối, những người xung quanh hầu như không nhận ra điều đó. Ben, biệt danh của một cựu tù nhân ở Elkton, người đã trả lời phỏng vấn với CNN và yêu cầu giấu tên, cho biết, Tạ Đình Phong là "một chàng trai khá đẹp", người luôn nở nụ cười tươi.
"Những kẻ buôn bán ma túy khác trong nhà tù luôn muốn thể hiện cho mọi người biết rằng, họ là "những tên tuổi lớn. Ngược lại, Tạ Đình Phong khá khiêm tốn và không thực sự quan tâm đến danh tiếng hay uy tín trên đường phố”, Ben nói,
Nhà tù Elkton giam giữ khoảng 1.500 tù nhân trong thời gian Tạ Đình Phong thụ án. Ben cho biết, có khoảng vài chục tù nhân là người gốc Hoa và hầu hết đều nói tiếng Quảng Đông. Tạ Đình Phong là một trong số đó. Một người khác là Lee Chung Chak.
Lee đã trốn vào Mỹ qua biên giới Canada vào ngày 4/7/1994 để điều phối những gì được cho là một vụ buôn bán heroin lớn.
Không rõ Tạ Đình Phong và Lee có biết nhau trước khi vào Elkton hay không? Nhưng cộng đồng nói tiếng Quảng Đông của nhà tù đủ nhỏ để Lee và Tạ Đình Phong chắc chắn đã gặp nhau. Khi cả hai được trả tự do vào năm 2006, họ buôn bán ma túy cùng nhau, điều mà các nhà chức trách Australia sau đó đã cáo buộc.
Mặc dù Tạ Đình Phong tự khai rằng, anh ta dự định mở một nhà hàng sau khi ra tù và bày tỏ "nỗi buồn lớn" về quá khứ phạm tội của mình, nhưng anh ta và Lee đã lẳng lặng nhắm tới ma túy đá.
Gieo rắc “thảm họa”
Chất gây nghiện tổng hợp methamphetamine (ma túy đá) ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ trong thời gian Tạ Đình Phong và Lee ở tù - nó đại diện cho một cơ hội kinh doanh sinh lợi tiềm năng hơn nhiều so với heroin. Bởi vì ma túy đá được làm từ hóa chất, không phải cây trồng, sẽ không cần phải lo lắng về một vụ thu hoạch kém, ảnh hưởng đến nguồn cung như với heroin.
Năm 2010, các nhà chức trách Australia cáo buộc rằng, Tạ Đình Phong và Lee đã thành lập một tổ chức ma túy mà cảnh sát gọi là Sam Gor, biệt danh của Tạ Đình Phong, có nghĩa là "tam ca" trong tiếng Quảng Đông. Theo các báo cáo về chuyên án, các thành viên của tổ chức này chỉ đơn giản gọi nó là "Công ty".
Người ta tin rằng Sam Gor là thành viên của bộ ba đối thủ cũ, những người đã hợp nhất với nhau để kiếm tiền, giống như Tạ Đình Phong và Kwok đã làm với băng đảng mafia Sicily. Cùng với nhau, các băng nhóm này bị cáo buộc đã sản xuất ma túy tổng hợp ở quy mô công nghiệp tại những khu rừng rộng lớn của Myanmar, cũng chính là nơi Tạ Đình Phong bị cáo buộc cung cấp heroin cho băng đảng của mình vào những năm 1990.
Chiến lược có mục đích của Sam Gor rất đơn giản: kiếm đủ methamphetamine để tạo ra nguồn cung lớn và giảm chi phí. Sau đó là tràn ngập thị trường với sản phẩm rẻ tiền và gây nghiện này để thu hút khách hàng mới, đồng thời ngồi chờ tiền đổ về.
Theo các nhà chức trách Australia, băng đảng này đã trở thành một trong những hoạt động buôn bán ma túy lớn nhất trong lịch sử châu Á. Nó đã nắm giữ - và có thể vẫn giữ - thị phần lớn nhất trong thế giới ngầm mà vào năm 2019, được định giá từ 30 tỷ đến 61 tỷ USD.
Ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), cho biết, số người nghiện chất này là lớn "khủng khiếp".
Số lượng người nghiện ma túy đá được thống kê ở các quốc gia như Indonesia, Thái Lan đã tăng đáng kể kể từ năm 2015, theo số liệu từ UNODC. Hơn 206.000 người trên khắp Đông Nam Á đã tìm cách điều trị cho việc sử dụng methamphetamine vào năm 2020, nhưng số người nghiện thực sự có thể cao hơn nhiều. Nhiều người muốn được cai nghiện nhưng đã chọn cách tránh điều trị, hoặc đơn giản là họ có thể không được tiếp cận với các nguồn lực giống như ở các nước phương Tây.
Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ Lee vào tháng 10/2020, chỉ vài tháng trước khi chính quyền Hà Lan bắt Tse ở Amsterdam. Các nhà chức trách Australia cáo buộc rằng, Lee đã đóng một "vai trò quan trọng" trong đường dây cung cấp methamphetamine trị giá hàng tỷ đô la. Một điều tra viên nói với Reuters rằng, "đẳng cấp của Lee đã vươn lên ngang hàng hoặc thậm chí là lớn hơn" so với Tạ Đình Phong.
Luật sư của Lee đã từ chối trả lời yêu cầu bình luận của CNN về việc này.
Các nhà chức trách đã đưa vào sau song sắt những "mắt xích" quan trọng. Nhưng ma túy vẫn tiếp tục “chảy” mà không cần sự có mặt những ông trùm này.
UNODC cho biết, các nhà chức trách trên khắp châu Á đã thu giữ 170.000 kg methamphetamine vào năm ngoái, một kỷ lục mới mặc dù hầu hết các quốc gia trong khu vực đã phong tỏa biên giới của họ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Theo UNODC, sau đó, giá của methamphetamine không tăng, có nghĩa là những vụ bắt bớ này không ảnh hưởng đến nguồn cung thuốc.
Vòng luẩn quẩn của tội phạm ma túy
Khi Scott, công tố viên Mỹ đã đưa Tạ Đình Phong vào tù, nghe tin về việc anh ta bị bắt lại vào tháng Giêng, cô đã nhăn mặt.
Scott nhớ lại: “Chúng tôi không có thông tin về việc anh ta làm gì đó với methamphetamine. Nhưng rõ ràng là anh ta đã tìm thấy khách hàng của mình”.
Nhà tù là để trừng phạt tội phạm và bảo vệ xã hội khỏi những người đó, nhưng nó cũng có nghĩa là để cải tạo họ. Thay vào đó, cuộc chiến chống ma túy đã tạo ra một vòng luẩn quẩn. Những kẻ buôn bán ma túy đã phải vào tù nhiều năm vì sự cứng rắn của luật pháp. Tuy nhiên, việc cải tạo tội phạm chỉ được dành nguồn lực hạn chế, vì vậy, nhà tù đã tạo cơ hội cho những người bị kết án giao lưu và học hỏi lẫn nhau.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc giam giữ, trong một số trường hợp nhất định, có thể có tác dụng ngược - thay vì ngăn chặn hành vi phạm tội, nó lại củng cố sự phạm tội. Một phân tích năm 2002 về các vụ trọng án ở hạt Jackson, bang Missouri, phát hiện ra rằng, những tội phạm ma tuý bị giam giữ có nguy cơ tái phạm gấp 5 đến 6 lần so với những người chỉ bị quản chế.
Một nghiên cứu khác vào năm 2012 cho thấy rằng, trong một số trường hợp, tội phạm phải trả giá. Trung bình, những đại ca trong tù kiếm được thu nhập bất hợp pháp cao hơn khoảng 11.000 đô la so với những người không ở trong tù.
Các học giả ở Đan Mạch, người đã phân tích toàn bộ số tù nhân của đất nước vào năm 2020, phát hiện ra rằng, đối với những tội phạm bị kết án tù vì tội danh ma túy, có "bằng chứng mạnh mẽ về tác động của đồng phạm đối với việc tái phạm" - tức là những kẻ buôn bán ma túy đã gặp những kẻ buôn bán ma túy khác trong tù đã học hỏi lẫn nhau và cuối cùng lại vào tù.
Calnan nói, ông chưa bao giờ nghĩ Tạ Đình Phong sẽ trở thành "một trong những tay buôn ma túy quốc tế lớn nhất mọi thời đại".
“Nhìn lại cả tiến trình vụ án, không có gì đáng ngạc nhiên cả,” Calnan nói. "Tạ Đình Phong có kỹ năng và tất nhiên, thời gian ở tù là một cơ hội để thúc đẩy phạm tội”.