Gỡ rào cản liên thông cao đẳng lên đại học

Thu Hương 23/11/2021 07:35

Mặc dù đã có quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (CĐ) với trình độ đại học (ĐH) theo Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg song trên thực tế, nhiều người có nhu cầu học liên thông từ CĐ lên ĐH vẫn đang loay hoay tìm lối đi.

“Vá” lỗ hổng chính sách

Cuối tuần qua, Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ký thỏa thuận hợp tác với 3 trường CĐ thực hiện thí điểm đào tạo chương trình theo tiêu chuẩn Úc, Đức. Đây là tín hiệu vui cho người học khi nối tiếp với bậc CĐ, người học có thêm một sự lựa chọn để nâng cao kiến thức, tay nghề ở bậc học cao hơn.

Theo ông Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đây là bước đi thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, qua đó các học viên CĐ có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.

Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế cách mạng 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ. Việc đẩy mạnh liên kết GDNN và giáo dục ĐH có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Trên thực tế, đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ CĐ với trình độ ĐH hiện có 2 hình thức là chính quy và hình thức vừa học vừa làm. Tuy nhiên khó khăn là không phải trường ĐH nào cũng công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng, kiến thức, kỹ năng đã tích lũy của người học đã tốt nghiệp bậc CĐ, trung cấp. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do các chính sách kiểm định, đảm bảo chất lượng không thống nhất trong toàn hệ thống nên việc công nhận kết quả đào tạo phụ thuộc từng trường ĐH.

Bên cạnh đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, việc thiết kế hệ thống không đồng bộ về dòng chảy của người tốt nghiệp THCS, GDNN để học các chương trình sau trung học không rõ ràng, lẫn lộn các chương trình hàn lâm với chương trình định hướng ứng dụng khiến người học lúng túng. Niềm tin của người học và xã hội đối với chính sách đào tạo liên thông đang bị lung lay bởi một số trường nới lỏng các chuẩn mực tuyển sinh, thiết kế các khóa học bắc cầu, hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo xuống thấp. Về phía người học, nếu chỉ nhắm đến văn bằng mà không hướng đến trình độ hoặc năng lực nghề nghiệp sẽ dễ dàng chấp nhận, đồng thuận với việc buông lỏng chất lượng.

Từ thực tế tổ chức thực hiện chính sách đào tạo liên thông hiện nay, ông Vinh cho rằng sau một số năm đào tạo thí điểm, chúng ta cần có đánh giá nghiên cứu chất lượng và hiệu quả của chính sách, cơ chế. Đây là một lỗ hổng khá lớn của làm chính sách pháp luật giáo dục.

Bất cập thi đầu vào

Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg nêu 3 hình thức tuyển sinh liên thông giữa trình độ trung cấp, CĐ với trình độ ĐH. Bao gồm thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển do thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quyết định; dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh vào ĐH hàng năm của cơ sở giáo dục ĐH; dự thi tuyển sinh liên thông riêng do cơ sở giáo dục ĐH tự đề ra và tổ chức thi tuyển.

Phân tích từ TS Hoàng Ngọc Vinh cho thấy, sinh viên học liên thông đều phải qua một kỳ thi đầu vào và học chung với những lớp học của các sinh viên ĐH vốn có năng lực học tập hơn hẳn lại cùng tiến độ học tập thì hoàn toàn không hợp lý về nguyên tắc sư phạm. Theo ông Vinh, với mỗi nhóm đối tượng khác nhau cần có chiến lược, phương pháp, tiến độ dạy học khác nhau thì mới thành công.

Phải phân cấp triệt để cho các cơ sở giáo dục ĐH và GDNN trong việc ký kết các thỏa thuận về liên thông để mỗi sự thay đổi chương trình của ĐH sẽ được phản ánh sự thay đổi chương trình ở cơ sở GDNN tham gia thỏa thuận, cam kết chất lượng và công nhận lẫn nhau cũng như trách nhiệm giải trình về chất lượng.

Đối với việc thi đầu vào, TS Vinh kiến nghị cần nghiên cứu, có lý giải khoa học về việc thi chung kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc loại bỏ, thay vào đó là hệ thống kiểm soát chất lượng ngặt nghèo hơn nhằm bảo vệ lợi ích của người học.

Thu Hương