Du lịch nghỉ dưỡng hồi sinh

THANH GIANG 23/11/2021 07:36

Mặc dù không thể phát triển nhanh du lịch sau dịch bệnh, song thị trường này đang kỳ vọng sẽ khởi động tốt hơn. Lý do người dân đang hướng đến du lịch sức khỏe, văn hóa, thay vì du lịch trải nghiệm và giải trí như trước đây.

Kỳ vọng vực dậy du lịch sau đại dịch

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình dương nhận định: “Theo tôi, thời gian sắp tới, ngành du lịch vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Du lịch cần rất nhiều thời gian để có thể đạt được mức hoạt động như trước đại dịch. Kể cả khi đường biên giới được mở cửa trở lại, chúng ta cũng không thể kỳ vọng ngành du lịch sẽ phục hồi ngay lập tức”.

Ông Gasparotti lý giải những nguyên nhân cơ bản đang là rào cản hỗ trợ du lịch bật dậy phát triển sau dịch bệnh. Vị này cho rằng, thứ nhất một phần là do ngành du lịch vốn bao gồm một chuỗi các hoạt động kinh doanh bổ trợ lẫn nhau như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, đại lý du lịch, hãng hàng không, công ty quảng bá điểm đến... Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 một phần hệ sinh thái này đã bị gián đoạn và sẽ cần thời gian để tái khởi động trở lại. Nguyên nhân thứ hai, mọi người vẫn còn e ngại khi thực hiện các hoạt động du lịch, do các hạn chế di chuyển, giới hạn trong việc lựa chọn các chuyến bay cũng như các yêu cầu chứng nhận xét nghiệm và tiêm chủng. Đồng thời, việc di chuyển đến các địa phương khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ mắc kẹt lại, nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm hoặc có thể điểm đến bất ngờ bị phong tỏa... Yếu tố thứ ba tác động đến nguồn cầu là sự thay đổi trong hành vi của khách du lịch, đặc biệt là nhóm khách công vụ. Trong thời gian qua, người dân dần quen với các cuộc họp trực tuyến, vậy nên nhu cầu gặp mặt trực tiếp đã giảm đi rất nhiều. Điều này hiện đang tác động đến thị trường cho thuê văn phòng và được dự đoán cũng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động tổ chức sự kiện hội nghị.

Khách du lịch tham quan Phú Quốc..

Không quá kỳ vọng thị trường du lịch khởi sắc nhanh chóng, nhưng lãnh đạo Savills Hotels Châu Á - Thái Bình dương cũng trông đợi những triển vọng khả quan từ thị trường. Bởi du lịch là một ngành không ngừng thay đổi để thích nghi với các xu hướng mới.

Về vấn đề triển vọng thị trường du lịch, ông Vũ Văn Thành, Tổng Giám đốc VNGroup cho rằng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát lượng người mong muốn được đi du lịch sẽ rất lớn. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, trong bối cảnh hiện nay đang nổi lên xu hướng nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Đây là xu hướng thời thượng đã xuất hiện trên thế giới và phát triển khá nhanh. Bởi khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì vấn đề an toàn và chăm sóc sức khỏe lại càng được đặc biệt quan tâm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát có lẽ thị trường này sẽ phục hồi nhanh nhất.

Thay đổi phát triển theo hướng mới

Theo thống kê của ngành du lịch, đến cuối năm 2016, Việt Nam mới có khoảng 420 nghìn buồng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch. Năm 2017, Việt Nam mới đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế và 73 triệu lượt khách nội địa, với doanh thu khoảng 23 tỷ USD, đóng góp 7% GDP. Trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, Việt Nam đã thu hút khoảng 17 triệu lượt khách quốc tế và hơn 80 triệu lượt khách nội địa. Nếu theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đặt mục tiêu số lượng cơ sở lưu trú đến năm 2025 đạt khoảng 754.000 buồng. Đến năm 2030, sẽ có khoảng 900.000 buồng, khách sạn lưu trú du lịch.

Giới kinh doanh nhận định, thị trường du lịch còn nhiều dư địa phát triển, song ngành này cần có những thay đổi sao cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, du lịch đang có những thay đổi đáng kể. Ông Vũ Văn Thành khẳng định, nếu như trước kia du khách hướng đến du lịch mang tính trải nghiệm và giải trí thì trong thời gian gần đây, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa và sức khỏe lại “lên ngôi”.

Ông Thành cho biết thêm, trước đây, đi du lịch để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, nay là để tái tạo sức khỏe. Với những người có kinh nghiệm và hiểu về du lịch thường chọn những nơi yên bình để tái tạo cuộc sống, kết nối tình yêu thương gia đình và những cảm xúc. Khi một chuyến du lịch kết thúc sẽ có nhiều giá trị trong đó. Đây cũng là xu hướng khách hàng đang hướng đến.

Theo ông Vũ Anh Hà - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Du lịch Vân Đồn, hiện nay, trải nghiệm về du lịch nên có sự thay đổi để khi về phải thấy khỏe mạnh, nhiều năng lượng và gắn kết hơn với gia đình. Vì vậy, cần một tổ hợp du lịch với nhiều hoạt động trải nghiệm. Ông Hà cũng cho rằng, cần tạo ra trải nghiệm du lịch trọn vẹn, khép kín, chất lượng cao để du khách tới với những khu du lịch nghỉ dưỡng.

Theo ông Mauro Gasparotti, Việt Nam cần thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng đem đến những trải nghiệm độc đáo và tạo ra một “điểm đến” đúng nghĩa. Ví dụ như những khu nghỉ dưỡng sang trọng, khách sạn ứng dụng công nghệ cùng với sự đa dạng các tiện ích giải trí… Từ đó, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch góp phần mở rộng và đa dạng hóa nguồn khách, không chỉ đáp ứng nhu cầu khách quốc tế mà cả khách trong nước.

THANH GIANG