Rào cản trong số hóa nông nghiệp
Theo các chuyên gia, để nền nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, cần phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Trong đó cần đặt ra mục tiêu cơ giới hóa nền nông nghiệp, bởi nếu không có máy móc, thiết bị hỗ trợ cho con người sản xuất và lao động, sẽ rất khó tối ưu hóa năng suất lao động và ứng dụng công nghệ.
Nhiều thách thức
Nhận thấy số hóa đem lại nhiều lợi ích, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường…Tuy nhiên hiện nay chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.
Đề cập đến những hạn chế, tồn tại trong việc số hóa lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Tại hội nghị chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cũng cho rằng, nền nông nghiệp phải được định vị và minh bạch dữ liệu, thông tin thì mới vươn xa hơn. Bộ NN&PTNT xác định, khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất là hai trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cả hai vấn đề này đều liên quan mật thiết đến chuyển đổi số. Tuy nhiên hiện việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Nhiều người dân và cả DN thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún; thiếu liên kết giữa nông dân với DN, hợp tác xã, tổ hợp tác. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ...
Giải pháp nào?
Để có thể chuyển đổi số thành công, TS. Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, vốn là nhân tố quan trọng, tiếp đến là cơ chế chính sách dễ tiếp cận bởi hiện nay có nhiều chính sách hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi vẫn còn nhiều rào cản. Đơn cử như 10% nguồn thu của DN được đầu tư cho đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo là gì vẫn chưa định hình rõ khiến DN gặp khó khi sắp xếp nguồn vốn. Vì vậy, chúng ta có thể để cho DN chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn rồi sau đó đưa ra chính sách hỗ trợ như chính sách về thuế thu nhập DN… giúp họ chủ động và có đủ nguồn lực tài chính đầu tư vào công nghệ. Cùng với đó, quy hoạch phát triển ngành rất cần thay đổi và rà soát lại bởi nhiều chính sách còn chồng lấn lên nhau, gây khó cho DN, tập đoàn muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Còn theo ông Lê Vũ Minh, Giám đốc khối tư vấn Chiến lược và đổi mới của FPT Digital, chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những công nghệ đơn giản như truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị nông sản. Hệ sinh thái số cho nông nghiệp sẽ là đích đến để đảm bảo phát triển bền vững do đó cần hoàn thiện hệ sinh thái số, bằng việc số hóa toàn diện các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy cho nông dân, đây là yếu tố không kém phần quan trọng.
“Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Người nông dân ngoài chủ động học hỏi, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn” - TS. Cao Thị Hà - Học viện Hành chính quốc gia đề xuất.
Theo báo cáo Tổng quan về chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, tỷ lệ các công ty nông nghiệp đang quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu xoay quanh các vấn đề về thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hay tài chính… và những vấn đề này cần được giải quyết để tiến hành quá trình số hóa nông nghiệp, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái và chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam.