Thương cô giáo vùng cao

Tinh Anh 24/11/2021 10:00

Ngày nào cũng vậy, lịch trình của cô giáo Ly Thị Cộng là dậy thật sớm lấy thực phẩm nấu ăn trưa cho học trò, rồi tự chèo bè vượt suối tới điểm trường heo hút giảng dạy. Những hôm trời quang mây tạnh đã rất khó khăn vất vả với cô giáo một mình vượt suối trên chiếc bè chênh vênh, vào những hôm mưa gió bão bùng, nước lũ về thì càng nguy hiểm.

Bản Vàng Lếch 2 (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) là nơi không điện, không đường nhưng lại có một điểm trường với các học trò thân yêu. Đó là lý do mà dù khó khăn vất vả, dù biết nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì tình yêu với nghề, cùng với đó là tình thương học trò, cô giáo vùng cao vẫn ngày ngày vượt suối, băng rừng đến lớp.

Nhiều người nói chỉ cần thiếu một trong hai động lực là nhiệt huyết nghề nghiệp và tình thương học trò, thì không ai có thể lặp đi lặp lại hành trình nguy hiểm đó hàng ngày. Với những người đã quen với sông nước thì việc di chuyển trên một chiếc bè tự lái cũng vô cùng gian nan, đối với một cô giáo vùng cao thì đó là cả một sự dũng cảm tuyệt vời.

Những người chưa quen sông nước, thậm chí chỉ cần ngồi trên bè do người khác chèo thôi cũng đã đủ chết khiếp, có lẽ không bao giờ dám di chuyển bằng phương tiện này lần thứ hai. Ấy vậy mà cô giáo Ly Thị Cộng ngày nào cũng tự chèo bè vượt suối băng rừng ở nơi hoang vu núi cao rừng thẳm thì quả thật rất đáng khâm phục và vô cùng ngưỡng mộ.

Thực tế có những giáo viên chỉ nhắc đến việc phải đứng lớp tại các điểm trường heo hút, không điện, đường, trường, trạm thôi đã “sởn da gà”, nói gì đến việc phải tự chèo bè vượt suối. Thực ra không phải họ không yêu nghề, không thương học trò, mà chỉ vì tình yêu, lòng thương ấy chưa đủ lớn để giúp các thầy, cô giáo vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

Cũng từ thực tế đó mà hình ảnh cô giáo vùng cao Ly Thị Cộng càng trở nên sáng ngời, xứng đáng được xã hội tôn vinh. Người dân địa phương càng thêm kính phục Ly Thị Cộng bởi cô không hề sợ hãi khi biết trước mình có một nữ giáo viên trong quá trình vượt suối đến lớp đã bị lũ cuốn trôi. Cô giáo Cộng luôn xứng đáng là người giáo viên nhân dân.

Khi hay câu chuyện cảm động của cô Ly Thị Cộng, ông Đoàn Ngọc Hải đã làm việc với lãnh đạo huyện Nậm Pồ, ngỏ ý muốn tặng cô giáo vùng cao này một chiếc xuồng máy để di chuyển thay cho chiếc bè chênh vênh. Nhã ý của ông Đoàn Ngọc Hải xuất phát từ tâm, nhưng không hề dễ thực hiện, bởi đâu phải cứ có xuồng là lái được và được phép lái.

Lãnh đạo địa phương cũng đã biết sự khó khăn vất vả của những thày, cô giáo phải đến điểm trường xa xôi này. Song, ngặt nỗi địa phương nghèo nên chưa thể làm ngay cây cầu bắc ngang qua con suối để vơi đi nỗi cực nhọc, sự hiểm nguy của các thầy cô. Kế hoạch xây dựng cầu treo thì có rồi, nhưng địa phương biết lấy đâu ra 3 tỷ để triển khai xây dựng?

Vậy nên, thay vì tặng cô giáo Ly Thị Cộng một chiếc xuồng gắn máy, có lẽ ông Đoàn Ngọc Hải nên xem xét để có cách nào đó quyên góp tiền xây cầu cho địa phương. Chiếc xuồng máy chỉ có thể giải quyết được cô giáo Cộng, cùng lắm là thêm một vài người khác. Song, nếu là cây cầu treo bắc qua suối thì không chỉ có giáo viên, học sinh mà người dân cũng được hưởng lợi, bớt đi sự nguy hiểm đến tính mạng, phát triển bản làng.

Còn nữa, nếu là cây cầu thay vì chiếc xuồng máy, cô giáo vùng cao Ly Thị Cộng cũng không cần phải đi đăng ký, không cần phải học để thi lấy bằng lái, mà có thể ngày ngày an toàn qua suối gieo chữ cho học trò. Một cái có lợi chung như vậy cũng đáng để “mạnh thường quân” Đoàn Ngọc Hải xem xét, cân nhắc rồi đưa ra quyết định cuối cùng.

Tinh Anh