Bước ngoặt cao tốc phía Nam
Với chỉ hơn 150 km đường cao tốc hiện hữu, mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Nam ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiều tuyến đường cao tốc sẽ hoàn thành, kết nối các tỉnh thành tạo ra bước ngoặt thay đổi đáng kể trong hệ thống giao thông đường bộ phía Nam.
Khu vực phía Nam với 19 tỉnh, thành phố nhưng chỉ có 3 tuyến cao tốc đang được khai thác là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (55 km); TP HCM - Trung Lương (khoảng 60 km) và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51 km). Ngoài chiều dài tuyến khá ngắn, 3 tuyến đường cao tốc này cũng rời rạc, tách xa nhau. So với nhu cầu thực tiễn, lượng phương tiện ngày càng tăng, rõ ràng hạ tầng đường cao tốc phía Nam chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới tình hình sẽ rất khác khi một số tuyến cao tốc khác được đưa vào khai thác. Thậm chí, năm 2022 được coi là bước ngoặt quan trọng của mạng lưới đường bộ cao tốc phía Nam.
Đầu tiên là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km), nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương. Đây là đoạn thuộc trục cao tốc Bắc Nam, nối TP HCM và TP Cần Thơ, 2 trung tâm kinh tế - xã hội chính trị lớn nhất phía Nam. Theo chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc. Dự kiến tháng 12 này sẽ hoàn thiện toàn bộ gói thầu xây dựng, cho phép phương tiện lưu thông trước Tết Nguyên đán 2022.
Đây là một trong những dự án trọng điểm khu vực phía Nam, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội nhiều tỉnh thành. Dù nằm toàn bộ trên địa phận tỉnh Tiền Giang nhưng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án cầu Mỹ Thuận 2 (khởi công năm 2020, hoàn thành 70% khối lượng công việc) dự kiến sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt giao thông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn.
Trong đó các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ cùng với Tiền Giang là các địa phương trực tiếp hưởng lợi từ trục cao tốc xuất phát tại TP HCM này. Khi đó thời gian di chuyển từ TP HCM tới các địa phương trên sẽ rút ngắn khoảng 50% so với hiện tại. Ngoài ra, trục cao tốc này có vị trí song song với quốc lộ 1A hiện hữu cũng giúp giảm tải, giảm áp lực phương tiện, tạo thêm lựa chọn cho các phương tiện di chuyển.
Tương tự, dù đang phải ngừng thi công từ năm 2019 nhưng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (57 km) cũng chuẩn bị triển khai trở lại. Đặc biệt, những khó khăn về nguồn của dự án này cũng đã có phương án giải quyết triệt để. Theo đó, Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) dự kiến sẽ lấy nguồn tiền thu phí từ các dự án cao tốc đang khai thác để bố trí nguồn vốn xây dựng tuyến cao tốc này. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Nếu các thủ tục được giải quyết và thi công trở lại, tuyến cao tốc kết nối khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ này sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Cũng đang gấp rút hoàn thành là dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận kết nối vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự án này có chiều dài gần 100km, khởi công năm 2020 và sẽ hoàn thành ngay trong năm 2022 tới đây. Nằm trên trục cao tốc Bắc Nam, dù không đi qua nhiều trung tâm kinh tế - xã hội chính trị lớn nhưng tuyến cao tốc này góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch, giao thương hàng hóa.
Đây là những tín hiệu rất tích cực nếu biết rằng từ năm 2010 tới nay, sau khi đưa vào tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương chỉ có thêm 2 tuyến cao tốc khác được hoàn thành. Sau nhiều năm chậm trễ, khoảng hơn 1 năm tới đây hệ thống đường bộ cao tốc phía Nam thay đổi hoàn toàn, giúp kết nối nhiều tỉnh thành, vùng miền tạo ra một hệ thống đủ lớn giúp hoạt động vận tải, đi lại của người dân được dễ dàng, thông suốt.