Thách thức khi dân số già

Đức Trân 24/11/2021 06:15

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang nằm trong quá trình già hóa dân số. Theo nhiều dự báo, nước ta sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035 với tỷ lệ người cao tuổi khoảng 14%. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ tới hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Quá trình già hóa diễn ra nhanh

TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Với cơ cấu dân số này, là cơ hội “vàng” để nước ta có được lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010 - 2020. Tuy nhiên, sau giai đoạn dân số “vàng” sẽ bước sang giai đoạn dân số già.

Dự báo, nước ta sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035. Điều đáng chú ý là quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong 23 năm (2012-2035) là dân số đã đạt ngưỡng “dân số già”. Trong khi đó, Pháp phải mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm và Nhật Bản 26 năm. Theo nhận định của Liên hiệp quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

Đặc biệt số liệu cũng cho thấy chỉ số già hóa của 4 vùng kinh tế trọng điểm là cao nhất trong cả nước, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn nhân lực tại chỗ ở các vùng này trong thời gian tới mà giải pháp chắc là phải thu hút lực lượng lao động di cư.

Thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Ở lĩnh vực y tế, nhiều thách thức đặt ra đối với hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi. Theo các thống kê, chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ tuổi.

GS.TS Phạm Thắng, Chủ tịch Hội Lão Khoa Việt Nam lý giải: Tuy già không phải là bệnh, nhưng tuổi cao tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển. Bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác: Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, mắc các hội chứng đặc trưng ở người già như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, trầm cảm, giảm hoạt động chức năng,… đòi hỏi phải được chăm sóc một cách đặc biệt. Hơn nữa người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc.

TS.BS Nguyễn Trung Anh cho rằng, thách thức của số người cao tuổi bùng nổ là việc phát triển đào tạo bác sĩ lão khoa chưa kịp thời. Nhân lực chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người nhà. Các điều dưỡng, bác sĩ chuyên khoa lão khoa còn mỏng, thiếu kiến thức về lão khoa.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các cơ sở y tế, vấn đề chăm sóc người cao tuổi trong các hoạt động thường nhật tại cộng đồng cũng cần được quan tâm. Một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương với 610 người trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy, có tới 33,61% người góa bụa; 8,2% người sống một mình; 27,97% cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống; 90% cần trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với Việt Nam, những giải pháp phù hợp và kịp thời nên được đưa ra để có thể đảm bảo khả năng đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên nhanh chóng đối với người già. Cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già cần phải toàn diện, liên tục và phối hợp giữa các tuyến và giữa các cơ sở y tế. Để đáp ứng nhu cầu này, hệ thống y tế cần được định hướng lại về phía chăm sóc sức khỏe ban đầu, với sự phối hợp nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời; cùng với việc trao trách nhiệm cho cộng đồng.

Đức Trân