Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Thời gian qua, học trực tuyến trở thành yêu cầu bắt buộc do học sinh không thể tới trường nên số lượng trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên sử dụng mang internet có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đa số trẻ chưa được đào tạo hay hướng dẫn một cách bài bản việc sử dụng internet làm sao cho thật an toàn, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro khi gặp tình huống bắt nạt, dụ dỗ trên mạng.
Hiện Cục An toàn thông tin đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý của xã hội Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, dự kiến sẽ ban hành quý IV/2021. Đây là một trong những nội dung của chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2021. Đây cũng là lần đầu tiên Việt ban hành một chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Từ góc độ giáo dục, GS. TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng, quan điểm cấm trẻ em hay học sinh sử dụng internet là rất khó. Cần tạo điều kiện để trẻ hiểu đúng và làm chủ internet, mạng xã hội từ đầu. Theo đó, cần hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động.
“Nếu việc “vẽ đường” phù hợp và tạo ra đường đi đúng để học sinh và trẻ em khai thác, tại sao không? Hướng dẫn các em thao tác, kỹ năng, chia sẻ về nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, quản lý tài khoản, ứng xử với người lạ hay các tình huống có nguy cơ, quản lý thời gian khi sử dụng internet, mạng xã hội, các biểu hiện văn hóa trên môi trường mạng, trách nhiệm của học sinh với an ninh mạng và ứng xử văn minh… Đó là những việc cần làm ngay, không thể chậm trễ”.
Bên cạnh những lợi ích tích cực như giúp mọi người trao đổi, chia sẻ thông tin, hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nghiên cứu của ThS Đoàn Thị Thu Huyền - Trường ĐH Tân Trào chỉ ra mặt trái của việc tiếp xúc với internet, mạng xã hội từ sớm khiến học sinh dễ bị sao nhãng học tập, đắm chìm trong mạng ảo… Trong đó game online là một trong những tác hại lớn nhất và phổ biến nhất của internet với học sinh. Với mạng xã hội, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu học sinh còn nhỏ mà được tự do sử dụng mạng xã hội cũng dễ bị bạo lực trên mạng, có thể bị đe dọa, tra tấn tinh thần. Ngoài ra là khả năng mất kiểm soát hành vi, khó diễn đạt cảm xúc bằng lời, khi xảy ra xung đột có khuynh hướng sử dụng những trò bạo lực bị nhiễm trên mạng…
Vì vậy, vai trò trước hết là của gia đình cần giáo dục tác dụng, tác hại của mạng xã hội, giới hạn thời gian và định hướng cho học sinh khi các em bắt đầu biết đến mạng xã hội. Về phía nhà trường, cần hướng dẫn học sinh cách khai thác thông tin tích cực để các em chủ động tham gia, phục vụ học tập, nghiên cứu chuyên môn hiệu quả. Hướng dẫn cách chọn lọc thông tin hữu ích và tránh xa những thông tin độc hại….