Nợ văn bản quy định chi tiết: Sẽ tạo ra ‘khoảng trống’ pháp luật
Ngày 23/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Theo báo cáo của các cơ quan Quốc hội, trong số các văn bản thuộc phạm vi giám sát, vẫn còn nhiều văn bản có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm có hiệu lực của luật, còn một số nội dung chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Một số luật còn nợ nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết đã được các Ủy ban đề cập trong Báo cáo kết quả giám sát của các kỳ giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Qua giám sát, các Ủy ban cũng phát hiện nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết đã tạo ra những “khoảng trống” pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống.
Nguyên nhân của vấn đề trên theo ông Cường là do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật trong một số trường hợp chưa nghiêm. Trong đó, việc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, ban hành văn bản có nội dung vượt, trái phạm vi được giao, chưa phù hợp với quy định của luật chưa được quan tâm đúng mức.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Qua giám sát cần cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần kiến nghị Chính phủ căn cứ vào kết quả giám sát để khắc phục những hạn chế, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Ban hành văn bản trái pháp luật mà không chịu trách nhiệm là sao? Bộ Tư pháp đã phát hiện 69 văn bản trái với pháp luật, vậy những trường hợp đó có xử lý không? Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều văn bản không phù hợp cần sửa đổi, vậy đã khắc phục như thế nào?”- Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và cho rằng, nếu nâng cao chất lượng giám sát văn bản sẽ nâng cao chất lượng công tác lập pháp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải coi giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục và có tính kế thừa giữa các nhiệm kỳ. Đồng thời coi đây là công việc theo quy trình thống nhất, trong quá trình thực hiện phải có đối thoại, làm việc với đối tượng giám sát theo đúng quy định của pháp luật, có xử lý hậu giám sát và giám sát lại. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn bản, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.
Ông Định cũng cho rằng, sau giám sát, Chính phủ căn cứ vào kiến nghị trong báo cáo và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo các cơ quan chức năng chỉ đạo việc rà soát, khắc phục các sai phạm, tồn tại, hạn chế trong ban hành văn bản, báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất trong quý I/2022.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 10 của Quốc hội. Về kiến nghị cử tri tiếp xúc sau kỳ họp thứ nhất, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết: Trong tháng 9, qua báo cáo của 37 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện tổng hợp được 536 kiến nghị của cử tri và đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 306/536 kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 57,1%, số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.