Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Sau 75 năm tổ chức Hội nghị lần thứ nhất, Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 (diễn ra ngày 24/11) là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là khi đặt trong bối cảnh văn hóa đang có nhiều vấn đề cần phải “chấn hưng”, cần phải được cải tổ.
Sau 75 năm diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, hôm nay (24/11), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát triển hơn nữa văn hóa Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước, bước sang một thời kỳ mới ổn định và phát triển.
“Hội nghị Diên hồng” của ngành văn hoá
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa. Các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hoá ngang tầm với chính trị, kinh tế; coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển. Văn hóa là một trong bốn trụ cột mà khi nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII đã thể hiện rất rõ. Vì vậy, quy mô của Hội nghị lần này được tổ chức khá lớn. Ngoài việc tổ chức tại Hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu... Hội nghị còn kết nối đến các điểm cầu của các địa phương trên cả nước, trong đó có các điểm cầu của các tỉnh, thành ủy.
Kỳ vọng về Hội nghị, trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ, trong giai đoạn hiện nay, văn hóa cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức và khá nhiều điểm nghẽn trong phát triển. Chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề khiến chúng ta đau lòng về văn hóa như: Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, văn hóa thần tượng lệch lạc của giới trẻ, những câu chuyện ồn ào trong giới nghệ sĩ, sự bất cập của các cơ chế trong kiểm duyệt văn hoá. Xu hướng xã hội hoá, phát triển thị trường văn hóa tạo sự đa dạng cho diện mạo văn học, nghệ thuật, song cũng khuyến khích xu hướng thương mại hóa văn hóa, nghệ thuật, chạy theo lợi nhuận của kinh tế thị trường. Còn thiếu vắng những tác phẩm sáng tạo mới, có giá trị cách tân thực sự, phản ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng khẳng định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 như một “Hội nghị Diên Hồng” để chúng ta phát huy hết sức mạnh văn hoá, xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Và bằng mọi cách phải làm cho văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Đó là một trong những ý nghĩa quan trọng để chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa lần này. “Một ý nghĩa khác đó là để văn hóa phù hợp với thực tiễn đời sống và góp phần tích cực đối với kinh tế, chính trị, xã hội thì chúng ta cũng cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, hiệu quả và chiến lược” - ông Sơn bày tỏ.
Những kỳ vọng mới
Có thể nói, sau 75 năm tổ chức Hội nghị lần thứ nhất, Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là khi đặt trong bối cảnh văn hóa đang có nhiều vấn đề cần phải “chấn hưng”, cần phải được cải tổ. Đặc biêt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đang tác động vào mọi mặt của đời sống cũng như nhận thức và hành vi của toàn nhân loại. Do đó, việc phải có những thiết chế văn hóa mới để phù hợp với bối cảnh xã hội mới đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách.
Kỳ vọng vào những thay đổi của đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trong bối cảnh văn hoá đang hội nhập và phát triển, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, các văn nghệ sĩ là những người khám phá và tinh kết những vẻ đẹp của đời sống thường nhật, tạo dựng lên thành những vẻ đẹp văn hóa. Chúng ta đang nói về văn hóa của dân tộc và cần phải hiểu một cách sâu sắc rằng: Văn hóa không phải là một giá trị bất động mà luôn chuyển động qua mọi thời đại để cộng vào nó những giá trị mới. Chính vì vậy, sứ mệnh của văn nghệ sĩ vô cùng quan trọng. Lực lượng này không chỉ là những người lưu giữ, truyền bá những vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà là những người làm ra những vẻ đẹp mới cho văn hóa dân tộc.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, để đoàn kết, tập hợp đội ngũ sáng tác để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập quốc tế điều đầu tiên chính là lòng tự trọng dân tộc. Bởi nếu những trí thức, văn nghệ sĩ của đất nước không mang lòng tự trọng dân tộc thì họ sẽ chẳng viết được những gì có giá trị với con người. Và không có lòng tự trọng dân tộc thì văn nghệ sĩ khó tìm được lý do để tập hợp lại với nhau, tôn trọng cá tính sáng tạo của nhau và cùng nhau sáng tạo vì sự phát triển của dân tộc. “Hơn bao giờ hết, các nhà văn nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung phải đoàn kết lại trong mục đích cao cả nhất là vì con người” - nhà thơ nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau Hội nghị, chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hoá, bao trùm và xuyên suốt là phải xây dựng cho được môi trường văn hoá, theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên vấn đề văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân. Khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, câu hỏi đặt ra là xây dựng môi trường văn hóa như thế nào để đảm bảo hàm lượng văn hoá trong kinh tế, kinh tế trong văn hoá?