Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam

PV 25/11/2021 07:07

Ngày 24/11/2021, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương, các nhà khoa học, nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước.

Hội nghị đã nhận được gần 150 bài viết của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng như các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài... Các bài viết đã tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như những hạn chế, yếu kém, những vấn đề còn tồn tại phải giải quyết, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục, như: quan điểm, nhận thức, cơ chế quản lý, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, tuổi lao động đối với các ngành nghệ thuật đặc thù, cơ chế tự chủ của các đoàn nghệ thuật, cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống, phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, hay những kinh nghiệm trong quản lý và phát triển văn hóa ở cơ sở... Những ý kiến tâm huyết của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật sẽ là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Với thời gian một ngày, Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong số báo này, cùng với bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Báo Đại Đoàn Kết giới thiệu một số ý kiến của một số vị đại biểu tham dự Hội nghị:

PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí Thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam: Cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa, của văn học, nghệ thuật

Tại “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, văn nghệ này, chúng ta đã thảo luận và chỉ ra đúng những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, về chủ quan, tôi cho rằng có ít nhất bốn nguyên nhân chính. Một là, các cấp quản lý, các địa phương, các ngành chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng. Trong chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới, điều này có thể cảm thông được, vì tất cả chúng ta phải dồn góp toàn lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và giữ vững quốc phòng, an ninh để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và cất cánh. Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật TV lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố lớn thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài khó đọc, khó hiểu, khó nhớ... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra “nguy cơ mất nước từ bên trong”, tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng cũng đã ở mức đáng báo động đỏ rồi.

Hai là, chúng ta chưa có cơ chế phù hợp và hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Nói cho chính xác, cái chúng ta đang thiếu là cơ chế hiệu quả, đủ mạnh, có năng lực thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường, phù hợp với yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Cái cơ chế đang chi phối sự vận hành của nền văn học, nghệ thuật nước nhà vừa vẫn còn mang nặng dấu ấn, tàn tích của chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp cũ, lại vừa lai tạp những yếu tố tự phát kiểu “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường đã khiến cho các nỗ lực đổi mới trở nên nửa vời, kém hiệu quả, thậm chí lệch chuẩn, lạc hướng.

Ba là, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Điều này thực chất là bắt nguồn từ hai nguyên nhân bên trên, khiến cho nguồn lực đầu tư vừa rất nhỏ, chưa được đa dạng hóa, lại chưa được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.

Thứ tư, là sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới. Chỉ một số bộ phận thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường, nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy theo những thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân, trước mắt, thậm chí sa ngã, phạm tội. Những nhân tài, những sáng kiến, những sáng tạo tâm huyết và táo bạo xuất phát từ chính đội ngũ của chúng ta còn đang rất thiếu vắng.

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển

Những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đang tồn tại rất vất vả và chênh vênh. Chính sách tiền lương dù đã cải cách vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đó là đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng cơ chế đặc thù… là gửi người đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật. Xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khôi phục dần sự khủng khoảng về đội ngũ sáng tạo của văn học nghệ thuật.

Sân khấu không thể tồn tại được nếu không có khán giả. Đây là vấn đề hết sức nhức nhối của nghệ thuật sân khấu hiện nay. Một trong những đề án cần được quan tâm nhất của chúng tôi là Đề án cho chiến lược phát triển nghệ thuật sân khấu, bằng cách “Giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong các trường học”, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống. đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời nhằm xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu. Đây là hoạt động hết sức cần thiết, mang tính khả thi cao, vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà cho giới trẻ, vừa có tác dụng đào tạo định hướng khán giả chung cho nghệ thuật sân khấu.

Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho “Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật” để đặt hàng sáng tác cho cả các đơn vị công lập và ngoài công lập tạo sự công bằng bình đẳng, nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội.

Vì sự thôi thúc khẩn thiết của đòi hỏi xã hội, nên sân khấu phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại nhằm tổ chức đối thoại với người xem, bằng những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động vấn đề đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là đề tài chính luận về thế sự, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng. Những tác phẩm này rất cần Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vở diễn được biểu diễn trong các trường Đảng, các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để cán bộ đảng viên phải là người học tập và thẩm thấu trước tiên, nhằm thực hiện quyết tâm lớn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để nghệ thuật góp phần tích cực nhất vào việc “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam” vượt qua những thách thức trong quá trình đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Đề cao văn hóa làm gương của người đứng đầu

Một vấn đề hết sức quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay đó là văn hóa làm gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Các cụ ta đã đúc kết “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, người đứng đầu không làm gương thì sẽ không tạo được sự nể phục, kính trọng đối với cấp dưới. Bản thân họ không gương mẫu thì mọi lời nói, việc làm đều không có giá trị trước cấp dưới. Ngoài mặt người ta có thể không nói ra, sợ bị trù dập, nhưng trong lòng không phục, coi thường. Người đứng đầu liêm chính, có đạo đức thì sẽ tạo được sự kính nể, yêu quý của cấp dưới, nể phục của anh em, bằng không sẽ chỉ là một sự tuân phục giả tạo và đến một lúc nào đó mọi sự sẽ bị tung hê, hạ bệ...

Một điều quan trọng hơn, việc mất uy tín của người đó là một phần, song đau đớn hơn nữa là niềm tin của nhân dân vào tổ chức và rộng ra là Đảng và Nhà nước bị phai nhạt, thì sự nguy hiểm sẽ lớn biết chừng nào! Văn hóa làm gương của người đứng đầu được coi trọng thì không chỉ người lãnh đạo ấy được cấp dưới yêu mến, quý trọng, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho cấp dưới sẵn sàng đem hết trí tuệ ra để xây dựng và phát triển cơ quan, đất nước. Giống như trong thời gian chiến tranh, biết bao những tấm gương sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ sự tồn tại của tổ chức, đó chính là động lực văn hoá đã tạo nên sức mạnh bất chấp hiểm nguy của một con người trong những tình huống khốc liệt nhất. Sự hy sinh ấy không phải vì mục đích danh vọng, tiền tài, địa vị hay một danh hiệu nào, mà từ niềm tin được hun đúc của con người đó như một động lực văn hóa nội sinh của họ.

Theo cách nhìn nhận như vậy, chúng ta còn có thể chỉ ra rất nhiều các khía cạnh có thể khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong rất nhiều hoạt động khác nhau của mỗi con người. Vấn đề là nhìn ra được để khơi dậy động lực ấy làm nó thúc đẩy sự phát triển cho đất nước.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Định vị “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam

Trong những năm gần đây, đổi mới thể chế đã tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy sức hấp dẫn, thu hút thế giới về văn hóa. Nhưng hiện nay, dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm - dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn rất khó khăn. Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Phát triển du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cách mạng công nghệ 4.0 đang rất phát triển, du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu để vượt qua được thách thức đặt ra. Du lịch sáng tạo mang đến nhiều hoạt động tương tác cho khách du lịch với văn hóa bản địa hơn, những hoạt động mang tính giáo dục, cảm xúc, trải nghiệm nhiều hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển du lịch sáng tạo theo cách riêng của mình để phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao.

Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa. Phát triển du lịch sáng tạo sẽ giúp du lịch Việt Nam đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, phát triển thương hiệu du lịch độc đáo và xúc tiến quảng bá tốt hơn thông qua hiệu ứng mạng xã hội, thu hút được thêm dòng khách trung cấp đến cao cấp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Để làm được những điều này, cần có những điều chỉnh trong hoạch định chính sách và hành động. Nhìn nhận đúng vai trò của cộng đồng đối với việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản; vai trò và quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển du lịch. Đảm bảo tính hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Minh Quân - Hoàng Minh(ghi)

PV