Giá trị vĩnh cửu
Sáng ngày 24/11, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, mượn lời tiền nhân “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.
Tổng Bí thư nêu rõ, với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy những giá trị văn hóa tổ tiên, cha ông để lại. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta.
Kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất cách đây tròn 75 năm (ngày 24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này tiếp tục tổng kết, nhìn nhận, xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà trong giai đoạn mới. Đó là khi hội nhập sâu rộng vào thế giới càng phải khẳng định bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có nền văn hiến lâu đời đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử vẫn không bị đồng hóa, không bị hòa tan. Trong thời đại ngày nay, khi thế giới trong cuộc đua tranh công nghệ, đua tranh phát triển kinh tế, thì người ta càng nhận rõ giá trị nền tảng to lớn, giá trị vĩnh cửu của văn hóa. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, chính vì thế, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh phải gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này diễn ra trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhưng một lần nữa chúng ta thấy rằng trong khó khăn thử thách thì người Việt Nam càng đoàn kết. Đó chính là cội nguồn truyền thống của dân tộc, là mạch ngầm văn hóa Việt trải qua biết bao thử thách cam go trong chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bản sắc văn hóa Việt Nam càng được phát huy cao độ ở Thời đại Hồ Chí Minh. Và chính điều đó càng đặt lên vai thế hệ người Việt Nam hôm nay trách nhiệm lớn lao và rất đỗi vinh quang: Gìn giữ và phát huy hơn nữa văn hóa Việt Nam, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.