Phục hồi kinh tế hậu Covid-19

H.Hương 25/11/2021 07:25

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Thời điểm này, các địa phương đang nỗ lực khôi phục lại kinh tế, tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Đường đua” hút vốn FDI ngày càng trở nên sôi động.

Các địa phương trên “đường đua” hút vốn

Trong cuộc làm việc với các đại diện chủ đầu tư về dự án Trung tâm Điện khí LNG tại Quảng Trị diễn ra vào hồi đầu tuần (22/11), Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thông tin, sẽ khởi công giai đoạn 1 của dự án – phần hạ tầng kỹ thuật - trong tháng 12 tới.

Trung tâm Điện khí LNG tại Quảng Trị là dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh nằm trong mục tiêu đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị nhà đầu tư cùng với tỉnh khắc phục những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện trên cơ sở đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật.

Trung tuần tháng 11, các nội dung liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 – 2023 làm nóng nghị trường Quốc hội cũng như tạo được sức hút, sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và giới quan sát. Về cơ bản chủ trương “dồn lực cho phục hồi kinh tế” đã nhận được sự đồng tình. Bởi để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) không chỉ cần có thêm nguồn lực phục hồi trở lại, mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bổ lại chuỗi cung ứng. Ngay trong thời điểm hiện tại, các địa phương cũng như DN đã phải ráo riết khôi phục lại hoạt động thương mại, sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, nhiều địa phương thiết kế động lực phát triển kinh tế bằng các dự án ầu tư mang tính đột phá. Trong đó “nổ phát súng” đầu tiên là tỉnh Quảng Ninh với việc đồng loạt tổ chức khởi công, khởi động thực hiện 4 dự án (Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh; Dự án Sân golf Đông Triều và Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh) có tổng mức đầu tư 283.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12 tỷ USD.

Không chỉ có Quảng Ninh tăng xúc tiến thương mại, hút vốn nước ngoài, các địa phương khác cũng chuẩn bị các nước đi của mình để phù hợp với xu thế phát triển, phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư.

Thực tế thời gian này, các địa phương đang nghiên cứu đưa ra các khung chương trình cũng như kế hoạch hành động để mời gọi đầu tư cho địa phương mình. “Kín tiếng”, thậm chí “kiệm lời” song để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như mời gọi thu hút đầu tư, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và DN.

Phú Thọ cũng đã tung ra chính sách hỗ trợ đầu tư về kết nối hạ tầng khu công nghiệp và chi phí san lấp mặt bằng; cung cấp các dịch vụ liên quan đến điện nước tới “chân hàng rào” khu, cụm công nghiệp, đường giao thông cho đến “ngoài hàng rào” các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.

Trong khi đó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, ba yếu tố tiên quyết chính là nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ. Theo ông Thành, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện như nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ... Số liệu thống kê cũng chỉ rõ, Vĩnh Phúc đã tạo được sự đột phá trong thu hút FDI thời gian qua.

Nhiều lý do để chọn Việt Nam

Những dữ liệu nói trên cho thấy các địa phương đang rất chủ động trong việc thu hút, tìm kiếm các nhà đầu tư chất lượng cao. Tuy nhiên, để đón được các nhà đầu tư lớn, có chọn lọc, đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, địa phương cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, địa phương cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Trong khi đó ở một diễn biến khác, các tập đoàn đa quốc gia lớn tiếp tục rót vốn vào thị trường Việt Nam để mở rộng kinh doanh. Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan để mở rộng chuỗi nhà máy do Tập đoàn sở hữu tại Việt Nam lên con số 22 và chính thức trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.

Có 3 lý do được ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á - lý giải vì sao De Heus liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với số vốn khoảng 4.000 tỷ đồng, đó là, Việt Nam là một thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội lớn để xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm các nước đang phát triển, với sức tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng trưởng tốt qua các năm.

Những gì De Heus đưa ra cũng chính là căn nguyên cốt lõi khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư tại Việt Nam. Dù Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng một số tập đoàn lớn đã và đang tiếp tục rót vốn vào các tỉnh như Bình Định, Quảng Trị, Hải Phòng…

Thống nhất các chính sách ưu đãi

Hiện nay Chính phủ cũng như các địa phương đang thông qua chính sách ưu đãi thu hút đầu tư với việc tập trung cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6/10/2021 quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, Việt Nam đưa ra các mức ưu đãi áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài tùy theo khả năng đáp ứng tiêu chí công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, giá trị gia tăng và có DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất. Điều này cho thấy rõ mục đích gia tăng nguồn vốn quốc tế vào Việt Nam, nhưng nhấn mạnh nhu cầu tiếp nhận những dự án có chất lượng cao, quy mô lớn, có thể lan tỏa sâu rộng đối với nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây cũng đã nhấn mạnh những giải pháp đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Theo Thủ tướng Chính phủ, ngoài các vấn đề về thể chế, chính sách, có hai yếu tố để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Đó là chính trị ổn định và nguồn nhân lực.

Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2021, cũng chỉ rõ, để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, cần chủ động tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động, hạ tầng kết nối, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án đầu tư, nhất là các dự án FDI lớn, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, trực tuyến.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính: Lựa chọn “thế hệ” FDI cao hơn về chất lượng

Các địa phương cần phát huy vai trò chủ động để có quyền lựa chọn nhà đầu tư khi mời gọi đầu tư. Nếu như địa phương có 1 dự án mà nhiều nhà đầu tư quan tâm thì cần đánh giá năng lực của các nhà đầu tư, ưu tiên nhà đầu tư nào để có được công nghệ hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nếu như địa phương chưa có quy hoạch trong khi có nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý muốn thực hiện dự án, cần nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Hiện nay những nút thắt lớn như hạ tầng giao thông và các quy định đang từng bước được cơ quan quản lý tháo gỡ. Chính phủ cũng chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực thông qua đầu tư vào giáo dục, dạy nghề cho người lao động, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Do vậy các địa phương khi thấy không gian chật trội, cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng.

GS.TSKH Nguyễn Mại: Nâng cấp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ DN vượt qua những tác động của dịch bệnh Covid-19. Tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Cùng với đó, để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả DN và Chính phủ; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ DN trong nước kết nối với DN FDI. Trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

T. Hằng (ghi)

H.Hương