Doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng
Năm 2022, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng doanh nghiệp cần phải nhận định được thị trường và có hướng để thích ứng.
Dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 được coi là giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nền kinh tế xác định bước vào giai đoạn trạng thái mới nhưng quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới cũng sẽ cần nhiều thời gian.
Trong khi đó kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được chốt với nhiều chỉ tiêu chủ yếu, như mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Vì vậy, giới chuyên gia cũng như chính các DN kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các DN xây dựng phương án phục hồi của mình.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ có những biến động mạnh, có xu hướng tăng trong năm 2022. Bên cạnh đó, sẽ có sự tác động đến từ các yếu tố liên quan đến các gói kích thích tài khóa lớn trong nước, nới lỏng tín dụng để hỗ trợ DN. Theo tính toán của Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, nếu thực hiện các gói kích thích tài khóa tương đương 1% GDP, sẽ có khoảng 37.000 tỷ đồng để tác động làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP.
Phân tích về tình hình quốc tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Khương cho rằng, bức tranh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu 2022 có các xu thế biến động. Cụ thể, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong năm thứ 3 của đại dịch Covid-19; nhấn mạnh áp lực tăng trưởng, ổn định và cân bằng xã hội sẽ gia tăng với hầu hết các quốc gia; áp lực lạm phát gia tăng sau nhiều gói giải cứu, hỗ trợ…
Theo TS. Nguyễn Đức Khương, Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, các quốc gia và cộng đồng DN sẽ phải đối mặt với các thách thức, bao gồm sự gián đoạn sản xuất do đứt gẫy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Các DN buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác, công việc thay đổi, cùng tác động của đại dịch Covid19.
Vậy DN phải làm gì để tồn tại và thích ứng, chưa kể nếu muốn phát triển cần xây dựng tư duy như thế nào?
Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành cho rằng, các DN dù kinh doanh gì cũng không được quên quản trị rủi ro - bắt nhịp đà phục hồi - bắt nhịp xu hướng mới. Tốc độ linh hoạt là cực kỳ quan trọng. Xu hướng trong vòng 5-7 năm lại đây trên thế giới, dù lĩnh vực đầu tư nào cũng gắn với ba từ “xanh – thông minh – nhân văn/văn hoá”. Đây là xu thế, là sân chơi, cách kiếm tiền, lợi nhuận và ý thức cần được chú trọng.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Khương cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các DN đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để các DN có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức.
DN kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các DN xây dựng phương án phục hồi của mình.