Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: Chạm tới giá trị gốc của di sản
“Chạm tới giá trị gốc của di sản” luôn là mục tiêu nghiên cứu của nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền. Đó cũng chính là động lực đưa ông đi dọc dài đất nước, tìm kiếm những viên ngọc di sản tưởng như sắp bị thời gian vùi lấp. Và vì vậy, mỗi công trình nghiên cứu của ông như một lần tận hiến cho đời.
Quên ăn quên ngủ với văn hóa cồng chiêng
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền được biết đến là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về hầu hết các loại nhạc dân tộc, trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, từ đờn ca tài tử, ca trù, quan họ, tuồng, chèo, cải lương, cồng chiêng…Từng là giảng viên dạy nhạc lý cơ bản và dạy môn Âm nhạc cổ truyền ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Bùi Trọng Hiền luôn ao ước một ngày nào đó sẽ dạy và truyền bá nhạc của cha ông bằng lý thuyết. Nhạc cổ truyền nước ta từ xưa đến nay vẫn là truyền khẩu - truyền miệng. Ông hiểu rằng, chỉ khi đúc kết ra âm luật thì người học mới có thể tiếp thu nó một cách dễ dàng.
Một trong những công trình nghiên cứu mà Bùi Trọng Hiền vô cùng tâm huyết là xây dựng hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên. Nhiều đồng nghiệp đến bây giờ vẫn còn nhớ hình ảnh nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền miệt mài gắn tai nghe lại những đĩa tư liệu về âm thanh cồng chiêng, vừa ghi chép hàng chục tiếng đồng hồ, đến quên ăn quên ngủ. Nhờ những ngày đêm lăn lộn với đồng bào Tây Nguyên, công trình “Phổ âm cồng chiêng” đã ra đời. Đây được coi là một bước ngoặt trong nghiên cứu về cồng chiêng, giúp cho việc ghi chép, lưu giữ lại giai điệu của loại nhạc cụ này một cách khoa học.
Gìn giữ kho báu ca trù
Rồi dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng” cũng là một trong những công trình “lấy” của ông nhiều tâm sức nhất. Ông kể, thời gian đó ông làm việc như điên, bất kể ngày đêm cùng các nguồn tư liệu đang sưu tầm, cái thì được bạn bè, người thân trao tặng, cái thì bỏ tiền mua. Mà phải làm càng nhanh càng tốt, khi mà các cụ nghệ nhân còn đủ minh mẫn, sức khỏe để có thể hiệu chỉnh, bổ sung cho những tài liệu rất hiếm hoi về ca trù - loại hình nghệ thuật bác học cổ xưa này. Đến giờ ông vẫn thấy mình thật may mắn khi đã “chớp” được một cơ hội, đó là làm giám khảo trong liên hoan ca trù toàn quốc, ngồi chấm thi cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn lão thành cuối cùng của thế kỷ XX, nghệ nhân duy nhất còn lại từng tham gia trình diễn nhạc ả đào ở cả 2 không gian: cửa đình và ca quán. Ông bồi hồi nhớ lại: “Khi nghe cụ phân tích cái hay, cái đẹp và cội rễ của nghệ thuật này, tôi giật mình nghĩ, trời ơi, nếu những người như cụ một mai kia về với tiên tổ thì còn ai nữa để mà hỏi, mà lắng nghe, mà quan sát. Ngay sau liên hoan, tôi về bàn bạc với vợ và quyết định dừng tất cả mọi việc đang làm dang dở để lên đường về Tứ Kỳ, Hải Dương cùng ăn cùng ở với cụ Đẹ để tìm hiểu mọi thứ đến nơi đến chốn. Tới đầu năm 2016, khi vừa hoàn thành các nghiên cứu cơ bản của công trình thì nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ không may lâm trọng bệnh qua đời”.
Vậy là nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã kịp giữ lại cho đời một kho báu. Điều kỳ diệu là, dự án của ông đã giúp các ca nương, kép đàn, quan viên có thể nắm chắc được âm luật của ca trù, các nguyên lý cơ bản gắn phím cổ truyền để có thể đàn hát “có phách”, “có khuôn khổ” theo chuẩn mực “ả đào” cổ điển. Đánh giá về công trình này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Cũng như việc tìm ra cách ghi được thang âm của cồng chiêng, dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản của ca trù” đã mở ra một hướng bảo tồn di sản dân gian - một dự án tiên phong trong việc bảo tồn đúng cách, đúng giá trị của ca trù mà tiền nhân đã truyền lại”.
Cũng vì mê ca trù, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là “cứu” bộ băng đĩa ca trù đang bị thời gian hủy hoại của các nghệ nhân dân gian đã đi vào thiên cổ. Sau công việc ở cơ quan, cứ 19 giờ, Bùi Trọng Hiền bắt đầu làm việc đến 6 giờ sáng. Hơn 2 tuần liên tục như vậy, 10 cuốn băng mốc đã được cẩn thận cắt ghép và chuyển sang định dạng số. Đó cũng là khoảng thời gian ông thấy mình hạnh phúc ngập tràn, khi cảm nhận được mình đã chạm đến những bí ẩn của ca trù trong đám tư liệu cũ kỹ. Ông tâm sự: “Nói thật là có làm đến nơi đến chốn mới thấy trong lĩnh vực này, mình như một đứa trẻ, cứ đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cứ “ô”, “a” suốt như tìm thấy chân lý”.
Gần đây, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lại một lần nữa đắm mình vào nghệ thuật ca trù khi là tác giả kịch bản một bộ phim tài liệu lịch sử về nghệ thuật ca trù, mang tên “Ả đào”. Ông cho biết, kịch bản được đúc rút từ tư liệu lịch sử, tản văn, hồi ký, từ những câu chuyện ông được nghe từ chính những nghệ nhân ả đào trong các chuyến điền dã. Nói về cái tên “Ả đào” ông kể, khi tham gia xây dựng hồ sơ để trình lên UNESCO vào năm 2005, ông và các chuyên gia của Viện Âm nhạc đã rất muốn dùng cái tên này thay cho khái niệm “ca trù”. Hát ả đào là khái niệm có từ rất sớm trong lịch sử. Mấy chữ hát ả đào đã mang theo vô vàn giá trị văn hóa lịch sử, cũng như những câu chuyện xã hội rất riêng. Và có lẽ, trên thế giới, hiếm nơi nào dùng tên của những “nữ ca sĩ” làm danh xưng chung cho một thể loại âm nhạc như chúng ta. Đáng tiếc, khi làm hồ sơ, chúng tôi vẫn đành chọn cái tên ca trù. Bởi, một thời gian rất dài trong quá khứ, 2 chữ “ả đào” được gắn kèm với những định kiến khá nặng nề.
Lấy bối cảnh những năm 40 của thế kỷ XX, bộ phim được chia thành 3 chương theo diễn tiến lịch sử của nghệ thuật ả đào: Cửa đình, Nhà hát cô đầu và Lưu lạc. Các nhân vật trong phim được dựa theo những nhân vật, câu chuyện có thật trong lịch sử (nghệ nhân Quách Thị Hồ, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Phú Đẹ…) và những đào kép vô danh nhưng đã có đóng góp phần mình với lịch sử đất nước, lịch sử của nghệ thuật, âm nhạc Việt Nam. Ngày xưa, đào nương phải học từ tấm bé trong chục năm trời mới bắt đầu đi hát. Họ đã khổ luyện để giữ được những âm thanh vàng son, được chắt ra từ máu và nước mắt của người dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm của mình. Kể cả khi bị hiểu sai, bị điều tiếng, thậm chí bị xã hội lên án, họ vẫn sống với nghề, vẫn cất giọng hát như dứt ra từ gan ruột. “Khi viết đến chương 3 trong kịch bản, tôi trào nước mắt, vừa viết, vừa khóc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể.
Kịch bản hoàn thành từ năm 2017, nhưng suốt mấy năm chưa có tiền để làm. Ông quyết định tặng lại bản quyền kịch bản phim Ả đào cho đạo diễn Nguyễn Trung Thành (Giám đốc Công ty truyền thông BIBI). Và bộ phim đang được sản xuất dưới sự đỡ đầu, bảo trợ của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Đi tới tận nguồn cội
Sức làm việc và tâm huyết của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đối với cổ nhạc dân tộc luôn khiến các đồng nghiệp nể phục, thậm chí là thấy bất ngờ. Đúng như nhà nghiên cứu, TS Phạm Cao Quý chia sẻ: “Một khi đã bắt tay vào nghiên cứu, anh thường cố gắng đi tới tận nguồn cội sâu xa, cho tới lúc nắm được bản chất của vấn đề mới tạm dừng lại”. Nhưng có lẽ, lời khen tặng mà anh cảm thấy được động viên nhiều nhất chính là nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Văn Khê: “Mặc dù người nghiên cứu âm nhạc ở trong nước chưa được đào tạo bài bản, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài công trình nghiên cứu có giá trị như công trình nghiên cứu về hát quan họ, hát văn, hát chèo và đặc biệt những bản nhạc được biểu diễn bởi cồng chiêng Tây Nguyên của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Công trình hàm chứa những thông tin chính xác và nghiên cứu đó có thể được xem là những công trình khoa học tầm cỡ quốc tế”.
Với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, giữ gìn những giá trị văn hóa nghệ thuật trong kho tàng của cha ông là tình yêu, là trách nhiệm với cả tiền nhân và hậu thế. Cho dù, không phải ai cũng hiểu rằng, muốn tự tin để hội nhập, để tiến lên phía trước, chúng ta cần bảo vệ nghiêm cẩn những di sản mà tổ tiên để lại.