Nhà thơ Lữ Mai (Thanh Hóa): Người miền Trung sẵn sàng vươn lên
Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ. “Quê hương đã nuôi dưỡng tôi, nhưng bản thân tôi lại chưa làm được gì đáng kể cho nơi chôn rau cắt rốn, đối với tôi quê hương như người mẹ đầy bao dung, sẵn sàng ôm vào lòng mọi vui buồn”.
“Nỗi niềm của một người con xa quê bao giờ cũng nhiều day dứt và không dễ dàng giãi bày một cách đầy đủ nhất, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mảnh đất miền Trung đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh”. Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ. “Quê hương đã nuôi dưỡng tôi, nhưng bản thân tôi lại chưa làm được gì đáng kể cho nơi chôn rau cắt rốn, đối với tôi quê hương như người mẹ đầy bao dung, sẵn sàng ôm vào lòng mọi vui buồn”.
Chị có thể chia sẻ về những kỷ niệm của mình với quê hương làng xóm thuở ấu thơ?
- Bố tôi là thương binh, trở về từ chiến trường Campuchia, còn mẹ tôi từng là nữ sinh xinh xắn, học giỏi nhưng phải gác lại ước mơ làm cô giáo vì hoàn cảnh gia đình. Khi nên vợ nên chồng, bố mẹ tôi khai hoang ở vùng đồi bạt ngàn cỏ lau, cỏ tranh và sỏi đá. Tôi ra đời, khôn lớn trên chính mảnh đất ấy. Tôi theo bố mẹ trồng sắn trên đồi, chăm sóc hoa màu ở bãi sông, dầm mưa dãi nắng trên ruộng lúa. Làng tôi là một ngôi làng nghèo, nhiều thương binh liệt sĩ.
Thuở cắp sách tới trường, tôi chứng kiến nhiều cuộc ra đi của thanh niên làng vào miền Nam tìm công việc, cơ hội để thay đổi cuộc sống. Và rồi, như thành thông lệ, hễ dịp Tết đến, lũ trẻ chúng tôi lại túm tụm dưới gốc cổ thụ đầu làng, vừa chăn trâu, vừa dõi mắt tận phía xa xem Tết năm nay có ai trở về không, họ tươi mới và đẹp đẽ đến nhường nào. Tôi không sao quên được hình ảnh các cô gái làng từ phương xa trở về, họ khoác chiếc áo rực màu hoa mười giờ bừng lên giữa bức tranh mùa đông ảm đạm. Sau này, công việc làm báo cho tôi cơ hội đến với những nơi mà người dân làng tôi đã di cư. Tôi thấy ở đó vẫn còn nhiều nhọc nhằn, nhưng điều quý giá nhất đó là những người con của làng luôn dành cho mảnh đất đã nuôi dưỡng mình tình cảm thiêng liêng nhất.
Phải chăng do nhiều nét đặc thù trong đó có địa lý, khí hậu… đã tác động mạnh mẽ tới đời sống, tính cách, tập quán của người dân miền Trung?
- Mỗi năm, miền Trung luôn phải gánh chịu bão lũ, sạt lở, hạn hán… và tất cả đều ở thái cực mạnh. Nghĩa là khi lũ thì lũ rất to, mưa thì mưa rất lớn và hạn thì cạn khô đến kiệt cùng. Ngoài tác động lớn về đời sống lao động sản xuất thì tôi nhận ra những tác động ghê gớm về mặt tinh thần. Ở mảnh đất ấy, con người rất khó được thảnh thơi, an vui, mà lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng hứng chịu, sẵn sàng vượt lên. Đến một ấm chè xanh, ở vùng miền khác sẽ được hãm theo cách nhẩn nha, thưởng thức phần nhiều, thì ở miền Trung, chắc chắn phải là một nồi lớn, chè được chặt cả thân lẫn lá, nấu lên thành thứ nước ngả màu vàng đỏ, đủ để cả xóm uống chung trên thửa ruộng cỗi cằn. Từ những chi tiết thật nhỏ ấy, cũng có thể toát lên cuộc sống kham khổ, bất trắc và đùm bọc.
Như chị đã trải lòng, nỗi niềm của một người con xa quê bao giờ cũng nhiều day dứt và không dễ dàng giãi bày một cách đầy đủ nhất, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay?
- Như tôi đã từng ví von, quê hương là người mẹ tảo tần và bao dung. Khi những vùng miền khác có dịch bệnh, thiên tai… thì từ quê hương, những người cha, người mẹ nghèo đã thức thâu đêm gói ghém lương thực, thực phẩm, dưa cà, mắm muối... không thiếu thứ gì cho những đứa con xa. Còn khi vùng quê chịu cảnh dịch bệnh, thiên tai… dường như người ở quê lại có xu hướng xoa dịu con cháu để con cháu không phải lo toan. Mẹ tôi từng nói: “Nhỡ dịch bệnh có tràn về, con cũng đừng lo lắng. Thóc gạo đầy bồ, gà trên đồi, cá dưới ao, rau ngoài vườn... bố mẹ chẳng thiếu thứ gì, chỉ thương nhất con cháu mình thôi”.
Dịch bệnh, mẹ tôi báo tin nhà máy mẹ làm việc thực hiện chế độ nội trú cho công nhân, nếu đồng ý ký vào biên bản cam kết, mẹ sẽ xa nhà, làm việc và sinh hoạt hẳn trong nhà máy. Mẹ tôi từ một nông dân đã thay đổi, thích ứng để được nhận vào đó, có thu nhập nuôi chị em tôi ăn học. Suốt đêm kể từ lúc nghe mẹ báo tin, tôi trằn trọc, chẳng hiểu sáng ngày mai bà có ký vào cam kết để quyết định bám trụ cùng nhà máy, đồng nghiệp hay không, nhưng tôi luôn tin mẹ mình vững vàng để vượt qua thử thách.
Khi nhớ về tinh thần của bà con miền Trung, chị ấn tượng nhất điều gì?
- Cho tới khi tôi xa quê, lập nghiệp ở đô thị và có nhiều trải nghiệm, tôi nhận thấy được tinh thần, sức sống bền bỉ của những phận người xuất thân lam lũ. Tất nhiên, cuộc sống còn nhiều mặt và luôn có sự phân hóa tốt - xấu, đúng - sai… nhưng ở góc nhìn tích cực, tôi thấy con người nói chung, khi trải qua nhiều nỗi nhọc nhằn, khốn khó và quyết định vươn lên tìm một cơ hội thay đổi… thì tính cách sẽ quyết liệt. Quyết liệt đó, nhưng sẽ lại mềm lòng, mủi lòng nếu phần yêu thương sâu xa nhất, là quê hương, hiện hữu. Đó là lý do đôi khi chúng ta vẫn thấy người cùng quê nhường nhịn một bữa ăn vì nhau, sẻ chia chỗ ở, áo ấm, công việc... cho nhau một cách như lẽ mặc nhiên phải thế.
Lúc này, mong muốn nhất của chị cho người dân quê mình là gì?
- Đã gọi là quê thì chắc chắn có những giá trị cốt lõi làm nên tinh thần chung, và theo tôi một trong những giá trị ấy chính là tình làng nghĩa xóm. Tôi cho rằng, tình nghĩa cũng là giá trị chung của người Việt cần được giữ gìn, lan tỏa. Trong khó khăn, hoạn nạn… có biết bao câu chuyện tình nghĩa đã chạm tới trái tim của số đông dấy lên sự đồng cảm, hành động cụ thể. Song, nhiều giá trị tinh thần, trong đó có tình nghĩa của người dân đang chịu những tác động thiếu tích cực, khiến cho mối liên hệ giữa con người không còn đủ tin tưởng và vững bền.
Ngoài mơ ước cho quê hương giàu mạnh, tôi mong những giá trị cốt lõi thuộc về đời sống tinh thần được gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại, làm sao để tinh thần của một vùng miền không chỉ tỏa sáng ở không gian địa lý ở miền quê ấy mà bất cứ nơi đâu, kể cả ở nước ngoài, vẫn có dấu ấn đặc biệt.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!