Nhà báo Phi Tân (Thừa Thiên – Huế): Luôn biết gieo trồng hi vọng
Sinh ra ở một làng quê xứ Huế ven sông Ô Lâu, phá Tam Giang rồi được học hành, trưởng thành ở TP Huế bên dòng Hương Giang, nhà báo Phi Tân cảm nhận giữa Huế thành thị hay Huế nông thôn hầu như rất ít khoảng các.
“Nói cách khác là dù đã được đô thị hoá nhưng trong lối sống của người Huế vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền của làng quê”. Ba cuốn sách đã in của Phi Tân đều viết về Huế. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn Huế, đề tài mà anh viết nhiều nhất là làng quê xứ Huế… Đó là những trải nghiệm dài theo năm tháng của anh về những nét văn hóa của Huế, về những số phận của người nông dân Huế, về những món ăn ngạt ngào hương vị riêng có của Huế… Phi Tân muốn giới thiệu văn hóa Huế, con người Huế đến với mọi người.
“Trời hành cơn lụt mỗi năm”. Ai sinh ra và lớn lên ở miền Trung nói chung và Huế nói riêng đều thấm câu ca này cả”, nhà báo Phi Tân chia sẻ. “Người dân xứ Huế đã quen chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết hàng năm. Năm ngoái, lũ bão dồn dập liên tiếp mấy cơn liền ở xứ Huế. Thiên tai là điều không ai mong muốn nhưng phải chấp nhận. Người Huế đã chịu nhiều đau thương mất mát vì thiên tai nhưng người Huế cũng luôn biết đứng lên gieo trồng lại niềm hy vọng sau những cơn bão lụt hoang tàn như thế. Bão lụt mới đi qua thì dịch bệnh Covid-19 lại đến, đời sống người dân đã khó lại càng thêm khó. Năm nay, cho đến thời điểm này khá may mắn là mưa gió không dữ như mọi năm. Nhưng dù có khó đến mấy thì người dân xứ Huế vẫn tin vào một điều rằng ‘Còn da lông mọc - Còn chồi nảy cây’…”.
“Miền Trung như cái đòn gánh, gánh hai đầu đất nước. Dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở TP HCM và các tỉnh miền Nam đã tác động đến đời sống người dân miền Trung rất nhiều. Những đoàn người lao động nghèo trở về quê bằng xe máy trong đầu tháng Mười là một nỗi thương cảm rất lớn cho tất cả chúng ta. Lâu nay người dân miền Trung vào TP HCM và miền Nam để lập nghiệp, họ cũng góp phần mình xây dựng quê nhà ở miền Trung. Bây giờ, trong nghịch cảnh, đất Mẹ lại đón những đứa con về nhà. Trong gian khó thì tình người càng thắm thiết…”.
Nhà báo Phi Tân kể, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam bùng phát dịch, người dân xứ Huế không ai bảo ai đều tự động đóng góp tiền của và công sức của mình để hỗ trợ đồng bào: “Những bếp lửa nấu bánh chưng bánh tét, làm muối ruốc và các loại thức ăn khác đã đỏ lửa từ làng đến phố để hỗ trợ cho người dân miền Nam. Người dân xứ Huế luôn nhắc nhở với nhau rằng, khi Huế bị bão lụt, đồng bào miền Nam đã cứu trợ rất nhiều, bây giờ là lúc người Huế phải có nghĩa cử đối với đồng bào của mình. Có thể nói rằng người Huế đã hướng về miền Nam bằng cả tấm lòng chân thành nhất…”.
Thời điểm này người dân miền Trung đang có nỗi lo kép là thiên tai và dịch bệnh. Nhiều khu cách ly vẫn đang hoạt động đón đồng bào từ miền Nam trở về, những ca dương tính với dịch Covid-19 vẫn xuất hiện hàng ngày. Người dân đang lo lắng vì dịch bệnh và thiên tai luôn chực chờ: “Dù vậy, tính chịu thương chịu khó, biết vượt lên những hoàn cảnh khó khăn đó là tính cách của người miền Trung từ xưa đến nay”, nhà báo Phi Tân tâm sự. “Huế là xứ sở của Phật giáo. Văn hóa Phật giáo ảnh hưởng rất lớn và thấm đẫm trong lối sống của người dân xứ Huế. Người dân xứ Huế luôn sống thân ái, chan hòa và bao dung từ xưa đến nay. Nhưng xứ Huế cũng là nơi chịu nhiều đau thương trong những cuộc chiến tranh đã qua, phải chăng từ nỗi đau đó người Huế đã tôi luyện cho mình sự kiên cường, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh”.
Nhà báo Phi Tân luôn tự hào mình là người Huế. Với anh, Huế là miền thương và anh đang hạnh phúc khi được sống trong miền thương đó. Với mong muốn nhiều điều cho quê hương, song giờ đây anh chỉ mong cho Huế được bình yên.