Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân (Quảng Nam): Càng gặp khó, càng mạnh mẽ
Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân sinh năm 1984 tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Anh sống và lớn lên tại phố cổ Hội An.
Năm 2009, anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, Nguyễn Quốc Dân đã định hình phong cách riêng của mình bằng việc cho ra đời cái tên “Phi Lập Thể” với phong cách thể hiện tác phẩm bằng dây màu. Hiện nay, anh đang sống và làm việc tại Hội An.
Thời gian này, Nguyễn Quốc Dân tự bỏ tiền túi hỗ trợ lương thực tới bà con gặp hoàn cảnh khó khăn tại Hội An. Anh chia sẻ: “Thành thật mà nói trong sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu thì tất cả chúng ta ai cũng đều muốn mang của cải, vật chất, thời gian công sức hay chút tấm chân tình cùng sẻ chia mất mát với đồng bào của mình không riêng gì tôi. Và điều đó như bạn thấy, bà con cũng đang gấp rút nhường cơm, sẻ áo để cùng chung tay vượt qua dịch bệnh. Lẽ đương nhiên, Hội An là quê hương nên tôi muốn đóng góp một chút nhỏ bé của mình, để cùng chia sẻ yêu thương trên chính quê hương mình.
Miền Trung là “cái rốn của bão, lũ, lụt” hàng năm so với các nơi khác ở Việt Nam. Với người dân Miền Trung quê tôi, cho dù bạn có thể hôm nay “giàu” đó, nhưng bạn sẽ nghèo liền trong chớp mắt vì mưa bão, lũ lụt và lần này lại thêm dịch bệnh kéo dài. Vậy nên, khi bà con quê tôi nhận được sự quan tâm “nhường cơm, sẻ áo” từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước trong những ngày khó khăn là điều rất tuyệt vời và vô cùng trân quý”.
“Khi có cơ hội quay về lại Hội An sinh sống, tôi có cơ hội đi nhiều nơi, trải nghiệm sáng tác nhiều và rất gần gũi với bà con ở thôn quê. Tôi lang thang khắp nơi ở quê để khơi mở, nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng sự nhìn và cảm, biết rung động trước vạn vật. Tôi muốn tìm kiếm những giá trị rất chân tình từ bà con lao động nghèo ở thôn quê. Trên thực tế thì dân quê chúng tôi cùng đùm bọc nhau những lúc khó khăn nhất, nhưng với những lúc bão lũ lớn và đại dịch xảy ra thì rất cần sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân để bà con vượt qua những khó khăn đó”.
“Sự đau thương nào rồi cũng sẽ qua, nhưng đây là nỗi mất mát quá lớn đối bà con quê tôi vì dịch bệnh, bão lũ, lụt trong liên tiếp hai năm qua. Mùa màng, chăn nuôi, trồng trọt đều bị ảnh hưởng rất nặng nề khi chưa kịp khôi phục bởi dịch bệnh thì mưa, bão, lũ, lụt lại kéo đến. Thực sự bà còn Miền Trung bao đời nay vẫn rất kiên cường để gìn giữ mảnh đất của cha ông mình được trù phú, tốt tươi nhưng chừng ấy có lẽ vẫn chưa đủ. Rồi bà con quê tôi cũng phải kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn và có thật nhiều năng lượng tích cực hơn để vượt qua sóng gió”.
Hội An là vùng đất của thi ca, nhạc, họa với các giá trị văn hoá truyền thống bao đời. Người dân quê thường làm bạn với cỏ cây, hoa lá, biển cả… hương của sông, núi, nước non. Nếu bạn lang thang đâu đó ở Hội An bạn sẽ cảm nhận rất rõ về điều này. Một thành phố cổ độc đáo hoà quyện với con người hiền hòa chân chất “rất quê” với thật nhiều cảnh vật rất “thơ”. Vì thế tôi chuyển Art Studio của mình về Hội An để ở sáng tác là vậy”.
Theo cá nhân tôi thì trong bất kể sự khó khăn nào cũng đều mở ra cho chúng ta nhiều “cánh cửa” cơ hội mới, biết biến điều tiêu cực thành tích cực. Quan trọng là chúng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, con tim đủ ấm áp để nhận ra và biến chuyển nó thành các giá trị tốt đẹp hơn không mà thôi. Khi người dân miền Trung càng gặp khó khăn, thì sức sống mạnh mẽ lại vươn lên với những ý tưởng mới mẻ lại ra đời.
Lúc này, tôi không những mong quê mình vượt qua đại dịch và bão lũ mà tất cả chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch để ổn định cuộc sống và bước vào cuộc hành trình mới “sau đại dịch”. Có thể tôi tạm gọi là “Hành trình tái tạo” để tất cả chúng ta được bình an, và cùng bước trên những chặng đường tiếp theo.
Còn về phía bản thân mình, tôi sẽ tiếp tục giữ năng lượng tích cực để thúc đẩy các dự án “nghệ thuật cộng đồng” của chính tôi tại quê nhà. Tôi sẽ đóng góp một phần sáng tạo nhỏ bé của mình cho quê hương. Và bước tiếp cuộc hành trình mà trong đó những giá trị nghệ thuật đương đại mở ra nhiều góc nhìn mới, song hành cùng các giá trị văn hóa truyền thống”.