Thị trường lao động khởi sắc
Nhiều chính sách đãi ngộ hút lao động là điểm nổi bật ghi nhận tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh (Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc - Bắc Giang - Thái Nguyên và Thanh Hóa) ngày 25/11.
Nhiều cơ hội tuyển dụng
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm trực tuyến lần này với sự tham gia của 50 - 80 doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, đa dạng các ngành nghề thu hút người lao động. Chỉ tính riêng tại hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội đã trên 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng, với đa dạng ngành nghề như: Xây dựng, giao thông, quản lý sản xuất, kỹ thuật sản xuất, kế toán, công nhân sản xuất, lái xe... Mức lương cho người lao động dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Thành, sau khi TP Hà Nội trở về trạng thái bình thường mới, ngành bán buôn, bán lẻ được nới lỏng khiến cho nhu cầu lao động tăng cao, tập trung ở vị trí nhân viên văn phòng, chiếm tới 56,11%.
Đối với lao động ngành này, DN chủ yếu trả mức lương 10 - 15 triệu đồng cho nhân viên kinh doanh. Về trình độ chuyên môn, các DN yêu cầu người lao động đã tốt nghiệp đại học chiếm nhiều nhất (63,67%); tiếp đến là chưa qua đào tạo (10,07%) nhu cầu tuyển dụng.
Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong các tháng cuối năm, dịp lễ, Tết tăng nên tuyển dụng trong ngành vận tải, kho bãi có xu hướng tăng.
“Do cuộc chạy đua chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao ở nhóm ngành tài chính ngân hàng vẫn tăng. Điều này, không chỉ xảy ra trong các ngân hàng mà cả ở một số công ty chứng khoán ở vị trí phát triển ứng dụng, Công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, Marketing và Kinh doanh trên nền tảng số” - ông Thành cho biết.
Không riêng Hà Nội, ở nhiều địa phương thị trường lao động hiện hết sức sôi động với hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Điển hình như tại Bắc Giang nhu cầu tuyển dụng của DN lên đến 2.000 chỉ tiêu; Bắc Ninh: 1.885 chỉ tiêu; Vĩnh Phúc: 1.583 chỉ tiêu…Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tới 39%.
Đẩy mạnh đào tạo nghề
Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến liên kết 6 tỉnh với nhiều chỉ tiêu tuyển dụng hấp dẫn, tuy nhiên phản ánh từ đại diện nhiều DN tham gia tuyển dụng cho biết, chất lượng các ứng viên vẫn chưa đáp ứng đa phần là lao động phổ thông.
Đại diện DN Thuận Phát, Hà Nội cho biết, để thu hút lao động (nhân viên kinh doanh, công nhân cơ điện…) ngoài mức lương hưởng hàng tháng từ 7 đến 10 triệu đồng chưa bao gồm phụ cấp, thưởng, làm thêm doanh nghiệp sẽ cam kết thưởng tết bằng 1 tháng lương cho người trúng tuyển.
Dù vậy, kết thúc buổi phỏng vấn DN nhận được rất ít lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển của các ứng cử viên. Và đây cũng là thực trạng chung của nhiều DN đến tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, qua khảo sát về thực trạng tham gia của DN và các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0 cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động.
Đặc biệt, người lao động trong DN áp dụng kỹ năng mềm tốt hơn kỹ năng kỹ thuật, đặc biệt kỹ năng kỹ thuật về 4.0 doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Vẫn còn khoảng cách xa về kỳ vọng của DN với sự đáp ứng của người lao động.
“Việc hạn chế trong đào tạo lao động ứng dụng công nghệ 4.0 nguyên nhân là do thiếu cơ chế đủ mạnh, đủ lớn để khuyến khích DN liên kết, thiếu sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và DN. Ngoài ra, do DN đang sử dụng công nghệ sản xuất đơn giản nên chưa có nhu cầu liên kết, tham gia đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho người lao động; đa số là DN có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế cả về tài chính, nhân sự nên chưa thể tham gia vào quá trình đào tạo” - ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp cho biết.
Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, nâng cao năng lực cho người lao động là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của nền kinh tế và của từng DN, chính vì vậy, cần có giải pháp đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề lao động thích ứng công nghệ mới.
Việc đào tạo sẽ tiến hành chủ yếu thông qua DN, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nói chung. Chỉ khi gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - DN trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi đó nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực mới được khơi thông.
Tại nhiều địa phương thị trường lao động hiện hết sức sôi động với hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Điển hình như tại Bắc Giang nhu cầu tuyển dụng của DN lên đến 2.000 chỉ tiêu; Bắc Ninh, 1.885 chỉ tiêu; Vĩnh Phúc, 1.583 chỉ tiêu…