Bệnh nhân Covid-19 nặng: Điều trị bằng thuốc kháng thể kép để giảm tử vong
Ngày 25/11, Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 đã được tổ chức. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế hiện đã có kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Liên tục cập nhật mới phác đồ điều trị
Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 27/4 làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bắt đầu bùng phát, sau đó lan rộng các địa phương. Đến ngày 30/9, Việt Nam về cơ bản kiểm soát được tình hình dịch của đợt dịch thứ 4.
Tuy nhiên đây là dịch bệnh hết sức mới, luôn có sự thay đổi và biến chủng mới, do đó Bộ Y tế có rất nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị, đến nay đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị Covid-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp; đồng thời Bộ cũng đưa nhiều thuốc mới vào điều trị.
Trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, chúng ta đã đưa ra 3 điểm quan trọng: Xây dựng gói thuốc A- gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, ho, thuốc bồi bổ sức khoẻ; đưa thuốc kháng viêm - kháng đông vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp; áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.
Riêng đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trong thời gian qua thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.
Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỉ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%. Ngoài ra, việc bệnh nhân dùng thuốc đã góp phần giảm tỉ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng.
Hiện Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, như thuốc favipiravir, thuốc Avigan. Bộ đã có kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.
Sớm hoàn thiện quy trình phê duyệt thuốc tại Việt Nam
Chia sẻ về việc sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay: Thuốc Molnupiravir chưa được cấp phép tại Việt Nam, Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách triển khai Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ ở một số tỉnh tại Việt Nam với mục đích: Kiểm soát việc sử dụng thuốc đúng mục đích với sự chấp thuận tham gia của bệnh nhân, tránh sử dụng thuốc sai mục đích, tư lợi cá nhân; Kiểm soát hiệu quả điều trị, đảm bảo bệnh nhân uống đủ thuốc, theo dõi kết quả điều trị; Kiểm soát tính an toàn của thuốc, theo dõi biến cố bất lợi, tác dụng phụ hàng ngày.
Kết quả cho thấy, Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống tiện lợi và là giải pháp tốt để triển khai điều trị diện rộng trên cộng đồng, vượt trội hơn hẳn so với các thuốc dạng tiêm hiện hành. Tính hiệu quả trên lâm sàng tương đối tốt, tính an toàn cao với tỉ lệ biến cố bất lợi thấp, giảm đáng kể tỉ lệ chuyển nặng, chuyển tầng điều trị và tử vong.
Chương trình điều trị có kiểm soát giúp giảm gánh nặng cho ngành y tế vì làm giảm số trường hợp cần điều trị tích cực hoặc thở máy. Triển khai diện rộng trên cộng đồng có tính khả thi cao, với số lượng bệnh nhân tiếp cận thuốc khá lớn trong thời gian ngắn. Cùng với đó, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra Molnupiravir giúp giảm một nửa nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Covid-19.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, trong định hướng điều trị bệnh nhân Covid-19 tiếp theo, cần mở rộng tiếp cận cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà; Hoàn thiện quy trình phê duyệt thuốc tại Việt Nam; Tiếp cận xã hội hóa nguồn thuốc, nâng cao khả năng phủ rộng cho cộng đồng.
Tại hội nghị, cùng với việc điểm lại những nội dung liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân Covid- 19 trong đợt dịch thứ 4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới.
Nhận định của các nhà chuyên môn, nhà khoa học là chúng ta phải hết sức cảnh giác một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập, không được lơ là, sẵn sàng ứng phó đợt dịch thứ 5.