Thức tỉnh và cảnh tỉnh

Nam Việt 26/11/2021 01:11

Sáng ngày 24/11, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.

Tổng Bí thư nêu rõ, nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, của dân tộc, ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng xuyên suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, dựng xây đất nước hùng cường.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã tiến hành đổi mới đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Riêng về lĩnh vực văn hóa, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Khẳng định những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những khiếm khuyết, những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém cần được khắc phục. Mà hạn chế, yếu kém nổi bật là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc; chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Thực tế cho thấy việc đua tranh về kinh tế, quá đề cao vật chất, làm giàu bằng bất cứ giá nào đã khiến không ít người, kể cả cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật. Họ đã không biết rèn mình, giữ mình, để lòng tham dẫn dắt, điều khiển. Văn hóa cũng là rèn rũa con người, mục tiêu của văn hóa cũng là để xây dựng con người sống đạo đức, liêm sỉ, biết tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật, biết dấn thân cống hiến. Nhưng họ đã quên điều đó.

Cũng chính vì thế, cần phải nhận thức lại, những giá trị văn hóa tinh thần phải được tôn trọng. Thật đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, những giá trị văn hóa đã bị coi nhẹ, người sống có văn hóa, người làm công tác văn hóa - sáng tạo giá trị tinh thần lại không được coi trọng. Thay vào đó là sự ngưỡng mộ đối với người nhà cao cửa rộng, quần là áo lượt, ngồi trên những chiếc xe có giá bằng cả trăm con trâu của người nông dân; dùng tiền để giải quyết mọi việc, vô cảm trước khó khăn của đồng bào.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”, chân lý ấy không phải ai cũng thấu hiểu, mà cũng chính vì thế nhiều khi giá trị văn hóa lại bị thay bằng những giá trị mang tính thực dụng.

Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư đặc biệt đề cao vai trò của văn hóa, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Điều này một lần nữa thức tỉnh và cũng là sự cảnh tỉnh đối với những ai coi thường văn hóa.

Một dân tộc trải qua biết bao binh đao lửa đạn, hy sinh tất cả quyết giành bằng được độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi, quyết không chịu bị đồng hóa đã bồi đắp được một nền văn hóa giàu bản sắc, nền văn hóa thiêng liêng. Chính vì lẽ đó, văn hóa phải được tôn trọng, phải được gìn giữ và vun đắp.

Nam Việt