Tìm ‘đường băng’ cho điện ảnh cất cánh
Sau một thời gian phải thay đổi kế hoạch do ảnh hưởng của Covid-19, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra tại thành phố Huế. Đây cũng là kỳ liên hoan đánh dấu sự “hồi sinh” của điện ảnh Việt với nhiều sản phẩm “bom tấn”.
Cuộc đua “ngang tài, ngang sức”
Ở hạng mục phim truyện điện ảnh dự thi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 có sự góp mặt của 17 bộ phim. Mặc dù, do ảnh hưởng của Covid-19 đã làm số lượng phim dự thi giảm so với các kỳ liên hoan trước nhưng không vì thế mà “cuộc đua” ở hạng mục này “bớt nóng”.
Khác với dự đoán ban đầu về sự “độc chiếm” các giải thưởng của bộ phim “Bố già” thì kết quả cuối cùng đã tạo ra những bất ngờ cho công chúng. Cụ thể, giải thưởng cao quý nhất Bông sen Vàng đã được trao cho bộ phim “Mắt biếc”. Ngoài ra “Mắt biếc” còn giành giải âm nhạc xuất sắc, quay phim xuất sắc, cùng với đó là giải thưởng đặc biệt phim có bối cảnh tại Huế xuất sắc nhất.
Ứng cử viên “Bố già” ngoài giải thưởng Bông sen Bạc cũng giành thêm được giải nam chính xuất sắc nhất cho diễn viên Tuấn Trần, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho diễn viên nhí Ngân Chi và tác giả kịch bản xuất sắc nhất.
Cũng thuộc dòng “bom tấn”, bộ phim “Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả” cũng mang về giải nữ chính xuất sắc nhất cho NSND Lê Khanh, họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc và giải thưởng của Ban giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh.
Ngoài ra ở hạng mục phim truyện điện ảnh, bộ phim “Bằng chứng vô hình” được trao giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Trịnh Đình Lê Minh, Âm thanh xuất sắc và nam phụ xuất sắc cho Otis (Đỗ Nhật Trường).
Có thể nói, qua những bộ phim được trao giải, đã cho thấy điện ảnh Việt đang có sự bứt phá mạnh mẽ với chất lượng các bộ phim khá đồng đều, “ngang tài, ngang sức”. Đáng chú ý, nhiều bộ phim giành giải trước đó khi ra rạp đã cán mốc doanh thu “khủng” lên đến hàng trăm tỷ.
Đánh giá về kết quả, nhà sản xuất Lý Minh Thắng - thành viên Hội đồng giám khảo phim truyện điện ảnh nhìn nhận, dù vướng phải đại dịch Covid-19, nhưng 2 năm qua cũng có nhiều tác phẩm bùng nổ về mặt doanh thu phòng vé một cách bất ngờ, và đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy chất lượng đầu tư của các sản phẩm điện ảnh hiện nay rất cao, kể cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Bên cạnh những phim đã được công chiếu thì Liên hoan phim còn có sự góp mặt của nhiều tác phẩm chất lượng cao chưa công chiếu, tạo thành một bức tranh vô cùng đa dạng và đầy màu sắc cho một mùa Liên hoan phim thành công.
Đi tìm thương hiệu Việt
Với kết quả của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 có thể khẳng định, đây là “bức tranh” toàn cảnh của điện ảnh Việt trong suốt 2 năm qua. Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng không vì thế mà các nhà làm phim “chùn bước” phát huy những sáng tạo nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể của điện ảnh Việt, để có cơ hội “cất cánh”, chí ít là có thể cạnh tranh với các bộ phim nước ngoài ngay trên sân nhà vẫn còn nhiều rào cản.
Vẫn theo nhà sản xuất Lý Minh Thắng, một vài phim có ý tưởng tốt, đột phá nhưng chưa được triển khai tốt. Xem mãi vẫn còn thấy thiếu, mãi chưa đến được độ “sôi” đúng mức, có đôi lúc tưởng tàu đã cập chạm được vào một trạm nào đó với thông điệp rất giá trị, nhưng phút chốc nó lại bị lướt đi. Và hoàn toàn giao gánh nặng trách nhiệm của sự sâu sắc vào tay khán giả, người xem phải tự tìm ra.
“Đừng mất bình tĩnh chạy theo các thể loại hoặc đề tài mang tính xu hướng, phong trào để rồi phim bị ép chín non. Tôi nghĩ phim Việt nên ưu tiên khai thác những dấu ấn văn hóa bản địa” - nhà sản xuất nói.
Thực tế, hiện các hãng phim Việt Nam không thể cung cấp đủ cho thị trường trong nước những bộ phim có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Vì vậy các rạp chiếu phim tràn ngập phim nước ngoài.
Ở đó, các hãng phim nhà nước thường theo mô típ nhân vật điển hình là những người lao động ở hậu phương, nông dân, giáo viên, bác sĩ... Nhiều phim khá rập khuôn mà thiếu hấp dẫn.
Trong khi đó, với các hàng tư nhân sản xuất phim giải trí lại đang gặp trở ngại lớn đó vấn đề kịch bản, vốn đầu tư, kiểm duyệt... Vì vậy nhà sản xuất chọn xu hướng an toàn là làm những bộ phim theo mô típ của những bộ phim khác đã thành công về doanh thu.
Chính nguyên nhân này, nhiều bộ phim Việt khi ra rạp đang phải đối mặt với việc “o ép” về suất chiếu, giờ chiếu. Lý giải về điều này, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, rạp là đơn vị kinh doanh độc lập có sự cạnh tranh quyết liệt. Nên họ cũng phải lựa chọn phim phù hợp để có doanh thu phát triển và tồn tại.
Phim nào không bán được vé thì cũng khó có kinh phí để duy trì. Nếu muốn phát triển điện ảnh mạnh mẽ và coi điện ảnh là mục tiêu trở thành ngành công nghiệp hoặc quảng bá thương hiệu quốc gia và du lịch thì nên có những ưu đãi đặc biệt và cụ thể hơn cho các nhà làm phim.
Còn theo đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh, phim Việt hiện nay còn hạn chế về tính sáng tạo, bởi những tác phẩm mang tính thể nghiệm, kỹ xảo... đòi hỏi kinh phí rất lớn nhưng khó thu hồi được vốn nên nhà đầu tư cũng nản. Cũng chưa có những “ông trùm” trong lĩnh vực kinh tế quan tâm đến điện ảnh.
Nhà nước thì không thể tài trợ mãi được. Việc đầu tư để phát triển điện ảnh vẫn phải cần tư nhân, nhà kinh tế lớn đứng đằng sau, còn ở ta hiện nay điều đó vẫn là vấn đề khó.