Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam được cấp phép hoạt động
Vào ngày 28/11 tới đây, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình), Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) sẽ tổ chức Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Sau hơn 13 năm hoạt động, MEDDOM đã thiết lập được 2.000 phông lưu trữ cá nhân của các nhà khoa học, lưu giữ và bảo quản hơn 800.000 tài liệu hiện vật, 400.000 phút ghi âm và 150.000 phút ghi hình về cuộc đời của nhà khoa học thuộc 45 chuyên ngành.
Song song với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, MEDDOM còn thúc đẩy mạnh mẽ công tác phát huy di sản bằng việc tổ chức thành công 7 cuộc trưng bày, triển lãm, xuất bản 2 bộ sách thường niên “Di sản ký ức của nhà khoa học” (8 tập), “Những câu chuyện hiện vật” (4 tập), 4 cuốn sách khác và hàng chục bộ phim về cuộc đời các nhà khoa học. Đó là cơ sở khoa học để MEDDOM đi tới quyết định thành lập bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn MEDDOM bày tỏ, sự kiện UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đánh dấu một mốc quan trọng trên hành trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam, trong đó di sản của các nhà khoa học là khái niệm còn mới mẻ.
Đây là bước tạo đà cần thiết, kịp thời khi MEDDOM đã có một quá trình chuẩn bị dài hơi cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân sự cho bảo tàng. Tòa nhà Bảo tàng sẽ được xây dựng trong khuôn viên Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam rộng hơn 30ha ở Cao Phong, Hòa Bình.
“Đây sẽ là bảo tàng đầu tiên về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, nơi kể những câu chuyện về lịch sử khoa học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX thông qua những con người cụ thể; là nơi học tập, tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học nhằm tạo động lực, cảm hứng cho các đối tượng, nhất là thế hệ trẻ trên con đường lập thân lập nghiệp. Nơi đây cũng là điểm đến độc đáo khi kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, học tập và nghiên cứu” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định.
Để chào mừng sự kiện, MEDDOM cũng sẽ tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 của PGS.TS Lê Văn Truyền. Sinh ngày 1/12/1941 tại thành phố Huế, PGS.TS Lê Văn Truyền nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX (1992-1997).
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Văn Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu như “Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc”, “Nâng cao chất lượng thuốc từ dược liệu”. Ông là phó chủ nhiệm dự án “Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng”, công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000...