EVFTA và những cơ hội mang lại

T.Xuân 26/11/2021 07:06

Ngày 25/11/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng tổ chức sự kiện “Gặp gỡ châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam - EU và lễ ra mắt Sách Trắng 2021”.

Bất chấp những khó khăn bởi đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng năm 2020 đạt hơn 56 tỷ USD.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, EU là một trong những đối tác hàng đầu về hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam. Đặc biệt, dấu mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU.

Tại Hội nghị, phần lớn các ý kiến khẳng định, Hiệp định EVFTA sau một năm thực thi đã mang lại nhiều thành quả cho xuất khẩu hàng hóa giữa hai bên, tạo cơ hội cho các DN xuất khẩu phát triển.

Đề cập về kết quả Hiệp định EVFTA sau hơn 1 năm thực thi, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - nhận định, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã có những tăng trưởng đáng ghi nhận, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận, hiệu quả của khai thác EVFTA chưa được như kỳ vọng.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với nhóm hàng nông, thủy, hải sản, dệt may, da giày vào EU vẫn còn nhỏ, mới chỉ chiếm 1-2% so với kim ngạch nhập khẩu của EU từ các nước khác. Bên cạnh đó, hầu hết sản phẩm Việt Nam có lợi thế xuất khẩu vào EU chưa mang thương hiệu của Việt Nam hay ít nhất của DN EU sản xuất tại Việt Nam.

Nhận định rằng, Việt Nam đã tiến hành thực hiện nhiều cải cách để triển khai thực hiện EVFTA, trong đó, có nhiều nỗ lực liên quan đến chứng nhận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, song theo ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, vẫn còn 35% lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho rằng, thủ tục hành chính đang là rào cản trong việc thực thi EVFTA.

Chính vì vậy, cải thiện hệ thống chính sách và khuôn khổ pháp lý dựa trên thực tiễn thương mại quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn.

Tại sự kiện cũng diễn ra mắt Sách Trắng EuroCham 2021 phiên bản lần thứ 13. Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nhận định, việc EVFTA cắt giảm dần thuế quan và mở cửa thị trường tạo ra những cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư giữa EU - Việt Nam sau đại dịch.

“Trong ấn phẩm lần thứ 13 này, các thành viên của chúng tôi đưa ra các khuyến nghị thực tiễn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam” - ông Alain Cany nói.

Đánh giá cao Sách Trắng 2021, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI - cho rằng, Sách Trắng 2021 không chỉ góp phần để Việt Nam ngày càng hoàn thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn rất hữu ích cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

T.Xuân